Toplist Ninh Hiệp: Tìm kiếm Đối tác, Cửa hàng, Nguồn hàng
Bạn đang tìm kiếm điều gì?
Các lỗi đường may thường gặp trên hàng may mặc

Các lỗi đường may thường gặp trên hàng may mặc

  • 22/07/2023
  • 3,398
  • 6
  • 0

Việc phát hiện các lỗi đường may trên sản phẩm may mặc là rất cần thiết để đưa ra phương án xử lý kịp thời. Trên thực tế có tới vài chục lỗi đường may được chỉ ra như đứt chỉ, bỏ mũi may, lỏng chỉ, đường may bị nhăn, hở đường may,... Tuy các vấn đề với đường may thường là được xem là một lỗi nhỏ, nhưng có thể trở thành lỗi nghiêm trọng. Đó là khi vấn đề này xuất hiện một cách rõ ràng trên khu vực dễ thấy của quần áo hoặc trên một tỷ lệ lớn đơn đặt hàng. Dưới đây là danh sách một số lỗi trong khâu may ráp sản phẩm thường gặp.

Đọc thêm: Các dạng lỗi vải thường gặp trên vải dệt kim., dệt thoi

Trượt đường may

Trượt đường may (Seam slippage) được mô tả là khi các sợi vải bị kéo ra hoặc xô lệch ra xa khỏi đường may từ mép và tạo nên một khoảng vải bị rạn ra. Trong đánh giá chất lượng đường may thì đây là một trong những lỗi chính.  

Trượt đường may


Sợi vải không thực sự bị đứt mà chỉ xô lệch và lỗi liên quan rõ rệt đến độ bền sản phẩm. Lỗi này có nhiều nguyên nhân bao gồm từ việc gia cố (vắt sổ) các mép vải, cấu trúc vải (vải dệt trơn, lỏng lẻo), thiết lập mũi may không phù hợp,...

Đường may bị nhăn

Lỗi may bị co, rút, nhăn mũi may là hiện tượng đường may không đều, vải bị uốn và co thể hiện thành các gợn sóng vải vuông góc với đường may. Các gợn sóng có thể lớn hay nhỏ, dày đặc hoặc thưa,...
 

Đường may bị nhăn


Hiện tượng nhăn nhúm này xuất hiện ở bất kỳ vị trí nào cũng đều gây ảnh hưởng rõ rệt chất lượng hàng may mặc, gây biến dạng form sản phẩm. Khi mua hàng quần áo, người mua cần để ý kỹ một số vị trí đặc biệt quan trọng mà nhăn đường may là không thể bỏ qua. Ví dụ như đường may hai bên thân quần, nẹp áo, cổ áo, đường may tra khóa váy đầm, các đường may túi, cạp quần jean, đường may túi áo.

Đây là vấn đề phổ biến trong sản xuất hàng may mặc và do nhiều nguyên nhân cả từ máy móc thiết bị may, nguyên phụ liệu vải may mặc. Ví dụ như cấu trúc vải dệt thoi vải dày hoặc dệt chặt, độ co rút của vải, độ căng, độ co rút của chỉ may,... Vấn đề có thể xảy ra sau khi  may và cả sau khi giặt, ủi.

Lỗi bỏ mũi may

Lỗi bỏ mũi may (Skip Stitch là hiện tượng mũi may không liên tục mà bị bỏ qua, khiến cho đường may bị gián đoạn. Bỏ mũi có thể chỉ 1 mũi hoặc hai ba mũi liên tục. Trường hợp lỗi bỏ mũi lặp lại nhiều trên chiều dài đường may là rất dễ nhìn thấy và ảnh hưởng tới chất lượng sản phẩm. Việc tuột đường chỉ có thể xảy ra và khiến cho các bộ phần của sản phẩm không liên kết được vào nhau buộc phải sửa lại.

Lỗi bỏ mũi may


Có nhiều nguyên nhân. Ví dụ như ở máy may công nghiệp, bỏ mũi có thể do gắn kim sai, kim bị cong cùn, cỡ kim không phù hợp,... Liên quan máy may như kim và ổ thuyền, mặt nguyệt bị trầy xước, do chân vịt, chỉ may quá căng hoặc trùng, xỏ chỉ sai, chỉ không phù hợp hoặc kém chất lượng.

Mũi may không đều

Lỗi này được mô tả là mật độ mũi thay đổi, chiều dài của các mũi khâu trên đường may không bằng nhau. Loại sự cố này dễ gặp khi may các loại vải trơn (vải satin, chiffon,...). Lỗi này có thể khó thấy nếu vải và chỉ cùng tông màu. Ngược lại nếu là đường may trên đè bề mặt vải và có sự khác nhau về màu chỉ và màu vải nền thì rất dễ thấy. Ví dụ như các đường may đè ở quần jeans, nẹp áo, túi áo sơ mi,... Trong máy may công nghiệp lỗi được lý giải do sức ép của chân vịt yếu.

Hở đường may

Đường may bị hở/mở (open seam) là lỗi được mô tả khi xảy ra hiện tượng hai phần vải không được may đúng cách khiến cho đường may hở.


Hở đường may

Lỗi này có thể  là hệ quả của lỗi đứt chỉ may liên tục gây ra hoặc do cấu trúc vải (vải dệt lỏng lẻo), sợi vải bị đứt

Đường may lỏng chỉ

Khác với đứt chỉ hoặc căng chỉ, lỏng chỉ cũng là hiện tượng dễ gặp phải có thể cả ở chỉ trên và chỉ dưới. Chỉ lỏng khiến đường may lỏng lẻo, thiếu chắc chắn, mũi may không bám sát bề mặt vải mà nổi lên. Trường hợp nhiều mũi may bị lỏng khiến cho việc ráp nối giữa các bộ phận của quần/áo bị lỏng ra, khi kéo căng có thể lộ chỉ may, rất xấu.
 

Đường may lỏng chỉ


Lỗi này thường do điều chỉnh sức căng chỉ lỏng, chỉ căng không đều hoặc lắp suốt chỉ không đúng cách hoặc lỏng ốc ở hộp đựng chỉ.

Chỉ may quá chặt

Ngược lại với lỏng chỉ là chỉ may quá chặt gây ra biến dạng đường may. Hệ quả là vải bị co rúm ró, nhăn đường may...  Nguyên nhân của lỗi này là do việc điều chỉnh độ căng được may không đảm bảo. Quần áo sau khi giặt có thể bị đứt chỉ may do cọ xát với máy giặt hoặc đường may bị căng chặt do vận động. 

Lỗi đứt chỉ may

Đứt chỉ may (Broken Stitch), hỏng đường may là lỗi nặng hơn lỏng chỉ. Đứt chỉ ảnh hưởng nhiều đến chất lượng sản phẩm vì nó có thể là nguyên nhân dẫn đến việc đường khâu tiếp tục bị tuột chỉ. Ở những vị trí quan trọng (đũng quần, nách áo) và dễ nhìn thấy (túi áo, nẹp áo,...) , đứt chỉ ảnh hưởng rõ rệt đến thẩm mỹ của sản phẩm may mặc.

Lỗi đứt chỉ may


Nguyên nhân có thể do chất lượng chỉ may không đảm bảo chất lượng, chỉ bị mục, giòn hoặc chỉ không phù hợp với chất liệu vải đang may. Cũng có thể do xâu chỉ sai đường thoát chỉ,...

Lỗi do kim may - lỗ kim

Lỗ kim thường gặp khi may vải dệt kim nhưng cũng có thể gặp ở vải dệt thoi. Lỗi được mô tả là một lỗ kim to hơn bình thường xuất hiện ở vị trí mũi khâu đi xuống vải.

Lỗi do kim may


Mũi kim bị hỏng, cùn hoặc phát sinh nhiệt do ma sát sẽ đâm vào vải làm xuất hiện lỗ lớn. Kích thước lỗ kim này có thể thấy rõ hơn sau khi sản phẩm được giặt (vì vải giãn ra). Nó cũng có thể được coi là lỗi thủng trên vải.

Đường may không đối xứng

Lỗi này xuất hiện khi ráp nối các bộ phận của sản phẩm may mặc không đối xứng nhau, gây lệch lạc mất thẩm mỹ thậm chí ảnh hưởng tới thông số kỹ thuật của quần áo. Rõ nhất là ví dụ về ráp nối chi tiết ở đũng quần, nách tay áo,... 
 

Đường may không đối xứng

Ngoài ra còn có thể dễ thấy ở loại vải họa tiết kẻ ca rô, kẻ sọc, khi các ô kẻ ráp nối không khớp với nhau tạo cái nhìn lệch đi, rất xấu. Hoặc rõ nét hơn là đường viền áo ở kẻ ngang, nếu gấp mép không đều cũng có thể gây mất đối xứng giữa các ô kẻ. 

Đường may không đối xứng

Lỗi hoa văn không khớp có thể bắt đầu từ khâu thiết kế, cắt vải nhưng đôi khi cũng xảy ra do nối các mẫu sai.

Đường may nối không khớp

Đường nối không khớp được mô tả là điểm giao nhau của điểm đầu và điểm cuối đường may không khớp vào nhau mà bị chệch ra ngoài.

Các điểm dễ thấy lỗi này là khi may viền gấu quần, ống tay áo, ... Mối ghép không khớp nhau nên thiếu chắc chắn, các đầu mũi may không bám chặt vào nhau nên xảy ra tình trạng đứt, hở mũi. 

Không cắt chỉ đường may

Mặc dù là một lỗi nhỏ nhưng khi đường may tại các điểm kết thúc không được cắt tỉa gọn gàng sẽ gây thiếu thẩm mỹ và có cảm giác là hàng 'rẻ tiền'. Lỗi này bị đánh giá nặng hơn nếu xuất hiện trên quần áo trẻ em, nhất là hàng sơ sinh vì nó có thể liên quan đến mức độ an toàn. Hoặc khi nó xuất hiện với tần suất lớn trên sản phẩm hoặc đơn hàng. Tuy nhiên đói với các máy may công nghiệp hiện đạo có chức năng tự cắt chỉ, lỗi này có thể được khắc phục một cách dễ dàng.

Cùng với các lỗi vải thường gặp, việc phát hiện chỉ ra các lỗi đường may là cần thiết bởi nó cho thấy kỹ thuật may và chất lượng vải có đạt yêu cầu hay không. Toplist Ninh Hiệp hy vọng những thông tin trên đây có thể giúp bạn đọc có thêm kinh nghiệm trong việc tìm kiếm nguồn hàng thời trang quần áo chất lượng hơn.

Chia sẻ

Location for : Listing Title