Toplist Ninh Hiệp: Tìm kiếm Đối tác, Cửa hàng, Nguồn hàng
Bạn đang tìm kiếm điều gì?
Danh sách các lỗi trên áo sơ mi thường gặp

Danh sách các lỗi trên áo sơ mi thường gặp

  • 16/08/2023
  • 657
  • 1
  • 0

Các lỗi trên áo sơ mi thường gặp không chỉ bao gồm lỗi vải, lỗi đường may mà còn rất nhiều các lỗi liên quan đến phụ kiện,...

Dù là người mới bước vào kinh doanh quần áo, áo sơ mi hay người tiêu dùng muốn tìm hàng sơ mi chất lượng, bài viết dưới đây chắc chắn có ích cho bạn.

Xem thêm: Danh sách các lỗi trên sản phẩm may mặc


Các dạng áo sơ mi hay bị mắc lỗi

Hàng xuất dư: Dù không phải tất cả nhưng một phần hàng xuất dư có thể bị từ chối hoặc hủy vì lý do chất lượng. 

Sơ mi giá rẻ: Thành phẩm giá rẻ cần được may nhanh để giảm chi phí nhân công nên kỹ thuật may không đảm bảo. Loại này có thể mắc cả lỗi trên vải lẫn lỗi đường may.

Hàng tồn kho, thanh lý: Hàng trưng bày, hàng treo móc lâu ngày có thể bị bụi bặm, không khí hoặc độ ẩm ảnh hưởng đến vải. Bề mặt áo sẽ bị ố vàng và các lỗi khác.

Lỗi sợi vải, màu vải áo sơ mi

Các loại vải may áo sơ mi phổ biến là vải dệt thoi, do đó lỗi bề mặt vải chủ yếu là lỗi sợi ngang, dệt dọc.

Lỗi sợi: Quan sát trên bề mặt nếu thấy bất cứ hiện tượng nào về lỗi có thể do đứt sợi, tuột sợi, lệch xiên sợi, gút sợi, sợi dọc thô (vải satin)...

Vải sơ mi có tỉ lệ co giãn nhẹ (dưới 3% sợi spandex) được dệt bằng sợi lõi có thể xảy ra hiện tượng giãn vải.

Lỗi nhuộm: Với sơ mi trơn một màu và nhuộm màu sau dệt, có thể mắc lỗi nhuộm như chất nhuộm không đều, lệch màu liên tục, lệch màu biên vải,…

Lỗi in: Với sơ mi nữ may bằng vải in hoạt tiết, cũng có thể gặp tình trạng lỗi in ấn lệch, thiếu chi tiết, ngược chi tiết,...
 

Xem thêm: Các dạng lỗi vải thường gặp nhất


Lỗi mếch lót cổ áo, nẹp áo, nắp túi

Mếch lót tạo sự ổn định cấu trúc cho các bộ phận trên áo sơ mi như cổ áo, nẹp áo, bác tay áo,... Nhờ có lớp mếch mà áo trở nên đứng dáng, chỉn chu hơn.

Việc dán mếch cổ áo thường được ép bằng máy chuyên dụng có thể giảm bớt lỗi. Ngày nay thậm chí còn có dịch vụ ép mếch dành riêng cho các xưởng may mặc.

Nguyên nhân lỗi cổ áo do mếch có thể do khâu dán mếch thực hiện thủ công với bàn là nhiệt không đảm bảo nhiệt độ hoặc thời gian thì sẽ dẫn đến lỗi.

Chất lượng của phụ liệu may cũng rất quan trọng. Mếch rẻ tiền, ít keo, quá mềm, mếch không phù hợp cho cổ áo,... cũng ảnh hưởng tới thẩm mỹ của cổ áo.
 

các lỗi trên áo sơ mi


Biển hiện lỗi: Keo mếch không dính với vải, lớp vải bên ngoài không bị xô lệch, xiên xẹo, nhăn nhúm,..

Lỗi này đặc biệt nghiêm trọng khi xuất hiện ở cổ áo. Đặc biệt là ở loại áo sơ mi có cổ cài nút, cổ thẳng nhọn khi mà lá cổ tạo nên nét thẩm mỹ chính cho phần trên của áo.

Cách kiểm tra: Xem kỹ phần cổ áo sơ mi. Đây là lỗi dễ thấy chỉ cần quan sát là có thể nhìn ra bằng mắt thường.

Khắc phục: Lỗi này trên sơ mi cotton bạn có thể là lại để mếch dính hơn. Nếu là vải sơ mi pha ni lông thì không dùng bàn là nhiệt cao được vì sẽ cháy vải.

Các lỗi đường may trên áo sơ mi

Danh sách các lỗi đường may trên sản phẩm may mặc là rất nhiều. Tuy nhiên tùy từng loại sản phẩm, vị trí lỗi mà mức độ nặng nhẹ là khác nhau.

Với sơ mi, nhất là các loại vải một màu, vải trắng, sơ mi kẻ dọc sáng màu,... bất kỳ lỗi nào về đường may cũng đề dễ dàng bị phát hiện. Do đó phải đặc biệt chú ý kiểm tra chất lượng đường may trên áo.

Nguyên nhân lỗi: Lỗi đường may do nhiều nguyên nhân: kỹ thuật may, chất lượng chỉ may, máy may,...

Biểu hiện lỗi: Lỗi đứt chỉ, trùng chỉ, căng chỉ, sùi chỉ, bỏ mũi chỉ, chỉ không khớp màu áo, đường may không thẳng, đường may bị cong vênh, chỉ không được cắt tỉa,...

Cách kiểm tra: Xem kỹ đường may trên nẹp áo, túi áo, cổ áo, hai vai áo, lưng áo,... Đây là các vị trí mà người đối diện có thể nhìn ngay ra lỗi khi bạn mặc áo. 

Lỗi may nút, cúc trên áo sơ mi

Tại các xưởng may mặc hiện nay, quy trình đính cúc nút được thực hiện bằng máy đính thùa khuy đính cúc, nút chuyên dụng.

Tuy nhiên vẫn cần đến kỹ thuật tay nghề cao để sử dụng máy. Nếu không sản phẩm sơ mi vẫn sẽ bị mắc lỗi ở phần cúc nút hoặc khuy. 

Do cúc nút tạo tính thẩm mỹ rất cao cho sản phẩm vì vậy bất kể là loại sơ mi nào thì cũng nên kiểm tra lại cẩn thận để phát hiện lỗi.
 

lỗi trên áo sơ mi


Biển hiện lỗi: Rối chỉ đính nút vào sản phẩm, đứt chỉ, nút đính không chặt, thiếu nút, thiếu khuy, đính ngược mặt cúc, đính cúc 4 lỗ không đúng,...

Đặc biệt nếu vị trí đính nút sai, làm cho khuy và nút không khớp, khiến cho khi đóng cúc áo, hai vạt áo bị lệch.

Chất lượng phụ liệu cúc không đảm bảo: Dù là cúc 1 da, 2 da, có vân hay khắc chữ đều phải tạo được sự đồng đều kích cỡ, màu sắc.

Lỗi kích cỡ áo

Hầu hết các loại vải dùng may sơ mi đều ít hoặc không co giãn. Do đó việc chọn đúng kích cỡ là điều tối quan trọng. Nhớ đối chiếu size sơ mi nước ngoài, sơ mi Quảng Châu với bảng size Việt Nam.

Nếu đặt may đồng phục sơ mi thì cần đo đạc kỹ càng theo số đo. Các xưởng may mặc uy tín sẽ tiến hành đo rất chi tiết bao gồm vòng cổ, vòng ngực, dài sau, vai, dài tay, vòng bụng,...

Nếu bạn mua sẵn sơ mi, cần chú ý dáng áo, kiểu áo là loại bó sát, vừa vặn hay loại rộng và chọn trong sự phù hợp với dáng người, cân nặng. Áo dài rộng có thể sửa lại nhưng nếu ngắn chật thì không.

Các lỗi kích cỡ có thể bao gồm: Áo bị ngắn (khi sơ vin và cử động sẽ dễ bị tuột khỏi quần).

Ngực, vai và nách bị chật, chỉ cần dang tay là có thể bị rách nách áo. Với sơ mi nữ, ngực chật dễ bị hở hai nẹp áo, gây thiếu thẩm mỹ.

Cổ tay áo chật, bị kích khi đóng cúc hoặc xắn tay áo. Cổ áo chật khi đóng cúc. Chiều dài tay quá ngắn hoặc quá dài cũng là lỗi kích cỡ không phù hợp.
 

Lỗi kích cỡ áo sơ mi


Ví dụ với sơ mi nữ nếu vòng ngực bị chật thì khi mặc nẹp áo sẽ bị căng, hở ra. Sơ mi nam nhất là loại phom ôm sát nếu không tính toán chuẩn cũng dễ bị chật bụng.

Đảm bảo không bỏ sót bất kỳ thông số nào để tránh trường hợp bị chật khi mặc.

Lỗi trên sơ mi kẻ sọc, ngang hoặc ca rô

Đối với sơ mi nam, loại vải kẻ sọc, kẻ ngang hay kẻ caro rất được ưa chuộng. Tuy vậy đây cũng là nguyên nhân gây ra lỗi thẩm mỹ nếu kỹ thuật thiết kế, cắt và may không đảm bảo.

Theo đó sẽ xảy ra các lỗi liên quan đến sự đối xứng, cân đối giữa các bộ phận có liên quan đến kẻ, sọc. Chúng có thể bị lệch là không tạo được sự liên tiếp về đường kẻ.
 

Các lỗi trên áo sơ mi thường gặp


Kẻ ngang bị lệch: Ở hình trân là 2 bên thân áo bị lệch đường kẻ ngang sau khi cài cúc. Lỗi này cũng dễ xuất hiện ở phần ống tay áo.

Kẻ sọc lệch tâm: Đối với 2 thân áo, các kẻ sọc hai bên phải đều nhau tính từ tâm (tức là hàng cúc áo khi đã được cài). Lỗi này rất dễ phát hiện nếu là các kẻ sọc kích cỡ to.

Lỗi kẻ sọc ở cổ áo và thân áo.

Cách phòng tránh: Quan sát kỹ từng đường sọc trên áo. Đóng cúc áo ở thân, tay áo cẩn thận để dễ phát hiện lỗi.

Lỗi ở túi áo, gấu áo

Tùy theo mẫu áo sơ mi, có thể có túi hoặc không, túi có nắp hoặc không có nắp. Túi áo ở ngay trước ngực nên bất kỳ lỗi nào thuộc về đường may, cúc túi, nắp túi, lỗi cân xứng đều bị phát hiện dễ dàng.

Sơ mi đa phần thường được bỏ vào trong quần hay còn gọi là 'sơ vin'. Nhưng như vậy không có nghĩa là có thể bỏ qua lỗi ở gấu áo. Phần này chủ yếu dễ mắc lỗi đường may, như nhăn đường may.

Sơ mi hơi co giãn và chất liệu lụa là loại vải dễ bị nhăn/vặn đường may gấu áo.
 

lỗi nhăn gấu áo sơ mi
 

Sơ mi nữ với gấu áo vạt đuôi tôm may đường cong cũng dễ bị nhăn gấu.

Lỗi do đóng gói, bảo quản

Áo sơ mi là một trong những sản phẩm yêu cầu có sự đóng gói cẩn thận, mục đích là để giữ được form của áo.. Hàng sơ mi cao cấp được đóng gói dựng đứng kèm theo vật liệu đóng gói bổ sung như giấy, kẹp, miếng lót, ghim,...

Tuy nhiên ở hàng giá rẻ việc đóng gói đơn giản hơn và do đó dáng áo có thể bị ảnh hưởng. Cổ áo có thể không đảm bảo cứng cáp, áo dễ bị nhăn nhàu,...

Việc bảo quản trong kho không đảm bảo áo sơ mi có thể bị ẩm mốc, phai màu,... 

Trên đây là danh sách các lỗi trên áo sơ mi thường gặp, nhất là với hàng may thủ công, hàng quần áo loại 2 giá rẻ,... Chúng tôi sẽ tiếp tục cập nhật nội dung này trong thời gian tới. 

Xem thêm: Các lỗi may áo thun thường gặp nhất

Chia sẻ

Location for : Listing Title