Toplist Ninh Hiệp: Tìm kiếm Đối tác, Cửa hàng, Nguồn hàng
Bạn đang tìm kiếm điều gì?
Cách phân biệt các loại vải may mặc phổ biến nhất

Cách phân biệt các loại vải may mặc phổ biến nhất

  • 24/10/2023
  • 418
  • 1
  • 0

Nắm được các cách phân biệt các loại vải khác nhau không chỉ nhằm mục đích chọn được loại vải tốt nhất mà chính xác hơn là phù hợp với nhu cầu sử dụng. Việc phân loại chúng có thể là khá khó khăn với người mới vì có vài trăm tên gọi các loại vải khác nhau. Tuy nhiên về cơ bản sẽ có một số tiêu chí phân loại như theo chất liệu sợi, theo kiểu dệt vải hoặc là kết hợp thêm các yếu tố như trọng lượng vải, các tiêu chí về sợi dệt,...

Dưới đây là một số thông tin cần biết khi chọn lựa vải và phân biệt các loại vải khác nhau.

Xem thêm: Các dạng lỗi trên vải dệt kim và dệt thoi

1.Phân biệt vải theo thành phần và tỉ lệ sợi vải

Thành phần vải chính là nói đến tên các chất liệu tạo nên vải. Đây là yếu tố không thể bỏ qua khi chọn mua vải. Bởi lẽ nó không chỉ quyết định hình thức bên ngoài của vải mà liên quan đến đặc điểm, tính chất và phẩm chất của vải cũng như giá cả.

Ví dụ như từ nguồn gốc của sợi, bạn có thể biết rõ độ bền của nó ra sao, có giữ nhiệt không, có thoáng khí không,... Ngoài ra, loại nguyên liệu thô cũng thường quyết định các quy tắc chính trong việc chăm sóc sản phẩm như chế độ giặt, nhiệt độ ủi, khả năng tẩy trắng,...

Đặc biệt thành phần sợi dệt có ảnh hưởng trực tiếp tới giá của vải thành phầm. Có những loại sợi vô cùng đắt tiền như lụa, len trong khi các chất liệu tổng hợp lại rất rẻ như nylon, polyester,...
 

vải cotton


Thông thường, các loại vải may mặc trên thị trường theo chất liệu sẽ chia làm 2 loại:

  • Vải nguyên chất: thành phần chỉ gồm 1 chất liệu. Ví dụ như vải cotton 100%, vải polyester 100, vải silk 100%, ....
  • Vải pha trộn (vải hỗn hợp): từ 2 thành phần trở lên. Ví dụ vải silk + polyester, vải cotton + polysester + spandex, ...

Đối với vải nguyên chất, bạn cần nắm rõ đặc điểm của từng loại sợi dệt vải thì sẽ hiểu rõ hơn về đặc điểm của loại vải được tạo thành.

Ví dụ sợi cotton có tính thoáng khí, thấm hút tốt nên đương nhiên vải làm từ sợi cotton cũng có đặc điểm tương tự. Đối với vải hỗn hợp, thường thì vải sẽ thiên về đặc điểm của loại sợi nào chiếm tỉ lệ thành phần cao hơn trong hỗn hợp. 

Vải nguyên chất có thể được chia thành các nhóm nhỏ là vải tự nhiên (cotton, lanh, len, gai dầu, lụa,...), vải tổng hợp (nylong, polyester,...), vải bán tổng hợp (vải viscose, vải bamboo,...).

Cách phân biệt vải theo thành phần

Đối với vải không được dán nhãn, có xuất xứ không rõ ràng thì việc phân biệt vải là khá khó khăn nhất là với người mới. Các thử nghiệm kiểm tra cơ bản bao gồm thử nghiệm đốt cháy.

Vải sử dụng thử nghiệm có thể cắt từ mẫu vải nhỏ được người bán cung cấp. Từ từ cho vải tiếp xúc với ngọn lửa nhỏ (bật lửa, nến). Các loại vải từ chất liệu khác nhau cháy khác nhau cho kết quả khác nhau khi đốt chay. Ví dụ vải cotton cháy với ngọn lửa màu vàng, mùi giống như mùi lá cây cháy.

Kết quả xem xét bao gồm: Mùi của vải, màu khói, tốc độ cháy của vải, hình dạng sau cháy - tro (vải bị chảy hoặc hoàn toàn không cháy). Đem các kết quả thử nghiệm đối chiếu với mô tả về phản ứng của các loại chất liệu vải để biết nó là loại vải nào.

Thử nghiệm sử dụng một mẫu vải nhỏ cặp vào nhíp. Từ từ cho vải tiếp xúc với ngọn lửa nhỏ (bật lửa, nến). Các loại vải từ chất liệu khác nhau cháy khác nhau cho kết quả khác nhau khi đốt chay. Kết quả xem xét bao gồm: Mùi của vải, màu khói, tốc độ cháy của vải, hình dạng sau cháy - tro (vải bị chảy hoặc hoàn toàn không cháy).
 

thử nghiệm đốt cháy để kiểm tra thành phần vải


Quan sát mẫu để biết kết quả được liệt kê dưới đây:

  • Vải Cotton: Không co lại khi đến gần lửa. Cháy nhanh, cháy đều, ngọn lửa màu vàng. Vẫn cháy nếu đưa vải ra khỏi ngọn lửa. Mùi khói giống mùi lá cháy hoặc giấy. Tàn mịn, màu tro từ trắng đến xám.
  • Vải lụa tơ tằm: Co lại khi gần lửa. Cháy chậm. Lửa tự tắt nếu đưa vải ra khỏi ngọn nến. Mùi khói như tóc cháy. Tro đen, dễ vỡ.
  • Len: Cháy chậm và sẽ tự tắt nếu tắt lửa. Mùi như tóc hoặc lông vũ cháy. Tro đen, có hạt, dễ vỡ vụn.
  • Vải linen: Cháy nhanh, đều, ngọn lửa màu vàng và tiếp tục cháy kể cả đưa vải ra khỏi ngọn lửa. Mùi như giấy cháy. Tro màu xám.
  • Sợi gai dầu (Hemp): Cháy nhanh, ngọn lửa sáng. Không có khói. Mùi lá cháy hoặc gỗ cháy. Tro xám.
  • Đay (Jute): Cháy nhanh, ngọn lửa sáng. Không có khói. Mùi lá cháy hoặc gỗ cháy. Tro xám. Không co rúm lại khi gần lửa.
  • Vải sợi Acetate: Cháy chậm và tan chảy. Tiếp tục cháy nếu ngọn lửa bị loại bỏ. Mùi như giấm. Tro hạt màu đen.
  • Vải sợi Acrylic: Cháy, tan chảy và bắn tung tóe. Tiếp tục cháy nếu ngọn lửa bị loại bỏ. Có mùi axit. Tro đen.
  • Vải sợi Nylon: Cháy chậm và tan chảy. Sẽ tự dập tắt nếu ngọn lửa bị loại bỏ. Có mùi như cần tây. Tro cứng, có hạt màu xám.
  • Vải sợi Polyester: Cháy chậm và tan chảy, khói đen. Tự tắt nếu đưa vải ra khỏi lửa của nến. Mùi như mùi trái cây. Tro có hạt màu đen và nâu.
  • Vải sợi Rayon: Cháy nhanh và đều với ngọn lửa màu vàng. Tiếp tục cháy nếu ngọn lửa bị loại bỏ. Mùi như gỗ cháy. Tro mịn.

Lưu ý rằng thử nghiệm mang tính tương đối và chỉ thực hiện được nếu là vải 1 thành phần. Loại vải hỗn hợp sẽ rất khó để kiểm tra với thử nghiệm này. Có thể dùng đến thí nghiệm hóa học nhưng tương đối phức tạp.

2.Xác định vải qua kiểu dệt vải

Trừ loại vải không dệt ra, phương pháp tạo vải cơ bản là dệt kim và dệt thoi. So với cách xác định vải theo thành phần chất liệu, phân chia loại vải theo kiểu dệt còn phong phú hơn nhiều.

Mỗi phương pháp dệt (dệt thoi hay dệt kim) đều bao gồm nhiều kiểu dệt. Bản thân mỗi kiểu dệt cũng lại có biến thể của nó. Tuy nhiên đừng quá lo lắng vì thông thường khi mua vải, nhà cung cấp sẽ nói rõ vải đó thuộc loại nào. Ngoài ra bạn cũng có thể dễ dàng nhận biết được kiểu dệt vải dù chỉ nhìn bề ngoài.

Các nhóm vải dệt kim :

  • Vải dệt kim đơn
  • Vải dệt kim đôi
  • Vải dệt sườn

Các nhóm vải dệt thoi bao gồm 3 loại cơ bản là dệt chéo, dệt trơn và dệt satin:
 

các kiểu dệt thoi cơ bản

  • Vải dệt chéo : vải denim, vải twill tweed, vải kaki,...
  • Vải dệt trơn: vải chambray, vải georgette, vải muslin, organza, poplin, raffeta, vải nhung,...
  • Vải dệt satin : charmeuse satin, baronet satin, duchesse satin, crepe Satin, antique Satin (satin cổ),...

Ý nghĩa của việc xác định kiểu dệt vải

Đặc điểm tính chất của vải không chỉ được quyết định bởi chất liệu mà còn cả kiểu dệt. Bởi lẽ cùng thành phần chất liệu sợi nhưng kiểu dệt khác nhau đem lại cho vải đặc điểm và tính chất khác nhau.

Nó có liên quan tới độ mịn, độ dày mỏng, độ trong suốt, độ bền, độ rủ, độ thấm hút, mức độ chống nhăn,... Nó cũng liên quan trực tiếp tới khả năng ứng dụng và giá cả. Đó là lý do vì sao sẽ có những tiêu chí hay gợi ý là khác nhau khi chọn các loại vải may áo sơ mi hoặc các loại vải may váy.

3.Phân loại vải theo trọng lượng

Trọng lượng vải là đặc tính quan trọng và cũng là một trong những cách phân loại của vải. Nó bạn tìm được chất liệu phù hợp với nhu cầu của và đảm bảo chất lượng của sản phẩm hàng may mặc

Trọng lượng của vải không cố định trên toàn bộ mảnh. Nó có sự sai lệch so với mức trung bình trên toàn bộ diện tích vải. Độ ẩm khi cân vải cũng nhất là với loại chất liệu vốn có khả năng tích nước cao cũng có thể ảnh hưởng tới độ nặng của vải.

Trọng lượng được xác định bởi nhà sản xuất nhưng nguồn gốc sợi vải, kiểu dệt đặc trưng có thể ảnh hưởng tới trọng lượng vải. Ví dụ nhóm các loại vải sheer thường rát nhẹ: vải chiffon, vải muslin, vải voan, vải tefal,... Các loại vải nặng gồm nhung, nỉ, dạ, denim,... 

Nó được đo theo một số cách khác nhau thông qua các đơn vị tính như Gsm (g/m2), Gram trên yard (g/y), Oz trên thước vuông (oz/yd²),... Phổ biến nhất là gsm.

Các loại vải theo trọng lượng phổ biến dưới đây:

  • 50 - 100 GSM: vải gạc, vải voan, chiffon, charmeuse, batiste, lawn,... Ứng dụng may may váy, áo kiểu nhẹ, áo blouses,...
  • 100 - 170 GSM: vải rayon challis (sha-lee), vải musslin 2 lớp, vải chambray, vải Ikat, vải lụa thô (đũi),... May váy, áo sơ mi, áo choàng và nhiều sản phẩm khác.
  • 170 - 230 GSM: vải twill tencel, cotton/spandex dệt kim, vải hỗn hợp linen, vải sateen nhẹ, vải barkcloth (vải vỏ cây),... May quần, may áo jacket nhẹ, váy đầm có cấu trúc,...
  • 230 - 340 GSM: vải denim nhẹ, vải canvas, vải nỉ lông cừu may áo khoác (sweatshirt fleece), vải ponte, vải phủ len,... May quần, quần jean nhẹ, áo jacket, túi vải, sweaters,...
  • 340 - 450: vải denim nặng, canvas, len,... Ứng dụng may áo khoác, quần jeans, vải nội thất
  • 340 - 450: vải denim nặng, canvas, len,... May áo khoác, quần jeans, vải nội thất.

Trên thực tế mỗi loại vải (dù là chất liệu hay kiểu dệt) sẽ được sản xuất ở nhiều mức trọng lượng khác nhau. Đây chính là lý do để bạn cần nắm rõ về định lượng của vải để đảm bảo phù hợp với giá cả và nhu cầu.

4.Các tiêu chí của sợi vải

Thường được nhắc đến nhiều nhất là mật độ sợi, tức số lượng sợi trên một đơn vị nhất định (cm hoặc inch). Mật độ sợi cùng với độ mịn, độ mảnh của sợi, độ xoắn sợi ... có liên quan đến độ dày mỏng, độ mịn của bề mặt vải, độ bền của vải.

Mật độ sợi càng cao, vải càng mịn và chắc. Ví dụ như vải tefal thường có mật độ sợi cao, các sợi xoắn chặt với nhau nên dù trọng lượng nhẹ nhưng vải rất chắc. Trong khi đó muslin có dệt thưa, mật độ sợi thấp, vải có nhiều lỗ nhỏ, không bền.

Các tiêu chí này dường như ít được cung cấp cho khách hàng, trừ khi bạn đặt vải tại nhà máy sản xuất hoặc các nhà buôn lớn. Khách mua lẻ vải cũng thường không để ý đến điều này. Nhưng nếu hiểu sâu về vấn đều này thì sẽ dễ hơn khi so sánh chất lượng vải của các bên cung cấp.

Cấu trúc của sợi vải, có liên quan đến hình thái sợi và tạo nên đặc điểm bề ngoài của vải. Nó có thể là sợi xoắn hoặc không xoắn. Ví dụ như đối với vải crepe đều sử dụng sợi xoắn cao hơn so với các loại vải khác. Hoặc sợi có đồng đều hoặc không đều. Ví dụ như vải slub sử dụng sợi slub là loại sợi có cấu trúc không đều, khiến cho vải dệt có đặc trưng dễ nhận biêt.

5.Thời gian sản xuất vải

"Tuổi của vải" là thứ dường như ít được quan tâm, trừ khi bạn đang săn lùng các loại vải hot trend. Mặc dù vải thường không ghi thời hạn sử dụng như các loại hàng tiêu dùng thường nhật khác, bạn vẫn nên chú ý đến thời gian sản xuất. Nhiều khi bản thân người bán có thể không biết được điều này nếu thông tin không được ghi trên nhãn. 

Tuy nhiên bạn có thể quan sát vải. Vải sợi tổng hợp có thể bị hỏng theo thời gian nếu điều kiện bảo quản không tốt. Sờ bề mặt có cảm giác nhờn hoặc dính. Các loại vải thun để lâu có thể giảm hoặc mất đi tính đàn hồi. Vải sợi tự nhiên (cotton, silk) có thể bị hư hại nhất là ở các nếp gấp hoặc do nấm, côn trùng xâm nhập.

Trên đây là một số gợi ý về cách phân biệt các loại vải khác nhau tùy theo nguồn gốc sợi vải, kiểu dệt, trọng lượng vải, cấu trúc sợi,.... Ngoài ra còn có nhiều cách phân loại vải khác hoặc kết hợp các tiêu chí khác nhau để gọi tên các loại vải. 

Xem thêm: Top 7 chợ quần áo, chợ vải tại Hà Nội cung c ấp nguồn sỉ lẻ vải chất lượng

Chia sẻ

Location for : Listing Title