Toplist Ninh Hiệp: Tìm kiếm Đối tác, Cửa hàng, Nguồn hàng
Bạn đang tìm kiếm điều gì?
Len sợi là gì? Đặc điểm, phân loại và ứng dụng?

Len sợi là gì? Đặc điểm, phân loại và ứng dụng?

  • 13/10/2023
  • 252
  • 0
  • 0

Bài viết cung cấp cái nhìn tổng hợp về len sợi là gì, nguồn gốc, đặc điểm, phân loại và các yếu tố có liên quan. Từ đó giúp bạn có được những kiến thức cơ bản về len sợi trong lựa chọn len và vải len phục vụ nhu cầu kinh doanh vải sợi hoặc để may mặc, đan lát, làm thủ công,...  

Xem thêm: Danh sách địa chỉ bán len sợi tại Hà Nội s ỉ lẻ

1.Len sợi là gì?

Len sợi là loại sợi tự nhiên lấy từ lông của các động vật khác nhau, được tạo thành từ keratin, một loại protein, có tác dụng giữ ấm tốt. Xét về mặt lịch sử, len là sợi động vật tự nhiên được sử dụng từ thời cổ đại và được đánh giá cao. Ngày nay, len vẫn là một trong số các loại sợi dệt, đan, móc phổ biến trên thể giới. 

Thông thường đa số mọi người nghĩ rằng len được lấy từ lông cừu, nhưng nguồn lông của động vật khác cũng cung cấp len với các đặc tính khác nhau. Một số loại sợi len có thể kể đến như sợi cashmere (từ dê), sợi pashmina (từ dê núi Tây Tạng), sợi shahtoosh (từ linh dương Tây Tạng), sợi Angora (từ thỏ Angora), sợi mohair (từ dê Angora),...

Về mặt tên gọi, trong tiếng Anh, 'len' được gọi là "wool', bao gồm wool yarn (sợi len) và wool fabric (vải len). Trong tiếng Trung wool - 羊毛 (yang mao - lông dê, cừu), wool yarn - 毛纱 (mao sha - sợi lông ), wool yarn - 羊毛织物 (yang mao zhi wu - vải len, vải lông cừu). Trong tiếng Pháp, wool được gọi là "laine".

 Theo truyền thống, len là chất liệu có nguồn gốc tự nhiên nhưng khi ngành sợi dệt phát triển, len lại được phân thành len nguyên chất (thuần tự nhiên) và len hỗn hợp (blend wool) giữa sợi tự nhiên, sợi tổng hợp và bán tổng hợp.

2.Cấu trúc của sợi len

Sợi len tự nhiên có nhiều điểm độc đáo cả về thành phần lẫn cấu trúc, từ đó tạo ra những thuộc tính rất riêng cho sợi.

Len là loại sợi protein được đặc trưng bởi nồng độ keratin (còn gọi là chất sừng) cao. Nó là một chuỗi polypeptide được tạo thành từ các axit amin có tổ chức theo cấu trúc xoắn ốc ba chiều khiến cho sợi có độ đàn hồi cao.

Sự sắp xếp của Keratin trên bề mặt sợi giống như các lớp vảy chồng lên nhau một phần để tạo điểm neo và liên kết với các sợi xung quanh. Điều này làm cho sợi có độ bền mài mòn tốt, chống rách. Trong khi đó, cấu trúc gợn sóng của sợi cho phép giữ không khí tạo môi trường cách nhiệt tốt hơn. 

Tùy từng loại sợi của các động vật cho len mà cấu trúc có thể khác chút ít. Tuy nhiên đặc tính chung của sợi len là tính đàn hồi cao, có khả năng chịu lực, giữ nhiệt, cách nhiệt tốt. Chúng mang lại cho vải len thành phẩm những đặc tính độc đáo, đồng thời vẫn giữ được cảm giác tự nhiên.

3.Quy trình sản xuất sợi len

Thông thường quá trình sản xuất len trải qua nhiều bước từ nguyên liệu cắt thô, quá xử lý làm sạch, sắp xếp phân loại, xử lý chải, nhuộm màu, kéo sợi, se sợi,...  Tùy vào từng loại sợi được sản xuất mà có thể bỏ qua một số công đoạn ví dụ như nếu là sản xuất len nguyên bản thì không cần nhuộm, Superwash len,...

Các bước cơ bản trong sản xuất sợi len

  • Cắt lông động vật cho len (cừu, dê, lạc đà,...) thu được len thô (Greasy wool)
  • Làm sạch: Xử lý loại bỏ bụi bẩn, dầu mỡ, tạp chất bằng dung dịch chuyên dụng thông qua phương pháp cơ học hoặc hóa học.
  • Phân loại và sắp xếp: Len được cắt đem phân loại và sắp xếp dựa theo chất lượng chiều dài, đường kính, màu sắc,... Các phần lông không đạt yêu cầu sẽ bị loại bỏ.
  • Chải len: Có thể là chải thô hoặc chải kỹ
  • Nhuộm màu: Sợi có thể để nguyên bản hoặc nhuộm màu
  • Kéo sợi: Sợi được duỗi thẳng và kéo thành sợi với nhiều kích cỡ (len sợi nhỏ, len sợi to, len sợi siêu to), cấu trúc, màu sắc,....

Superwash len là gì?

Superwash len có thể hiểu đơn giản là xử lý sợi siêu sạch hay giặt sợi siêu sạch. Mục đích của việc xử lý này là làm cho các sợi len (wool fibres - sợi chưa kéo) có khả năng chống co rút và chống bị 'nỉ' tốt hơn.

Quy trình này được xử lý với nước clo để sợi len (vốn có cấu trúc dạng vảy) không bị dính vào nhau. Sợi len sẽ được phủ một lớp resin (một loại nhựa) để làm mịn cấu trúc vảy, khiến cho sợi dễ xử lý hơn và ngăn sợi bị nỉ (tức là bị vón dính lại) trong quá trình giặt.

4.Các đặc tính của len

Len tự nhiên có nhiều đặc tính riêng để phân biệt với các loại sợi nhân tạo và tổng hợp khác. Cụ thể như sau:

Tính đàn hồi, mềm, bóng: Nhờ vào cấu túc chuỗi polypeptide keratin hoạt động như kiểu lò xo khiến cho sợi len rất linh hoạt, đàn hồi cũng như có khả năng chịu lực tốt. Riêng độ đàn hồi, len sợi có thể bị giãn so với ban đầu từ 30% (ở trạng thái khô) và hơn 50% (khi ướt).

Độ bền cao: Độ co giãn tự nhiên giúp cho sợi không bị đứt gãy và dễ dàng trở lại trạng thái hình dạng vốn có. Nó có thể bị gấp tới 20 ngàn lần mà không bị đứt. Cao gấp gần 7 lần so với sợi cotton. Sợi len cũng có khả năng chống mài mòn, giảm nếp nhăn và đem lại cảm giác mềm mại, vừa vặn. 

Độ hút ẩm tốt, thoáng khí: Cấu trúc lượn sóng giúp sợi len hấp thụ nước tốt hơn với lượng độ ẩm bằng 33% trọng lượng của sợi mà không tạo ra cảm giác ẩm ướt. Đồng thời len cũng có khả năng thoát hơi nước tốt để duy trì độ khô thoáng.

Cách nhiệt tốt: Len là loại sợi có khả năng cách nhiệt tốt nhờ giúp ngăn lớp không khí tiếp xúc với da không bị thoát ra ngoài. 

Dễ nhuộm màu: Sợi len tự nhiên có cấu trúc rất thuận lợi cho màu thuốc nhuộm thấm sâu. Điều này giúp cho các phản ứng hóa học diễn ra khiến thuốc nhuộm liên kết vĩnh viễn với sợi. 

Chống cháy: Len cháy khi gặp ngọn lửa nhưng ngay khi lấy ra khỏi nguồn nhiệt, len sẽ ngừng cháy.

Kháng khuẩn: Một số loại sợi len có đặc tính kháng khuẩn tự nhiên như ngăn chạn và hấp thụ mùi hôi.

5.Ứng dụng của len

Phần lớn len sử dụng trong may mặc, trang trí nội thất, trong công nghiệp và len chiếm khoảng hơn 3% tổng số sợi dùng cho may mặc.

Len được sử dụng để sản xuất sợi cho cả hàng dệt kim, dệt thoi và sợi đan, móc. Nhiều loại sợi làm từ len có sức hấp dẫn đặc biệt như các loại sợi ưa thích, sợi slub, sợi melange,...

Đối với vải dệt thoi, thành phần len thường được kết hợp với các xơ sợi tự nhiên hoặc tổng hợp, bán tổng hợp. Một số loại vải có sử dụng thành phần sợi len như vải tuýt (tweed fabric), vải boston, vải boucle, vải nhung (velvet fabric), vải gabardine, vải nỉ, vải Boucle, vải cheviot, vải tartan,... Chủ yếu là các loại vải có tác dụng giữ ấm, dày, nặng,...

Một số sản phẩm may mặc hàng dệt kim từ len phổ biến từ len như áo len, áo khoác, khăn, mũ, tất,... 

6.Các loại len sợi chia theo nguồn gốc động vật cho lông

Theo phân loại nguồn gốc xơ sợi, len là nguyên liệu tự nhiên động vật để phân biệt với xơ sợi nguồn gốc tự nhiên thực vật và tự nhiên khoáng sản. Việc xác định được loại len lấy từ lông của loài động vật nào sẽ cho biết chất lượng của len cũng như giá cả.

Mỗi loại động vật cho lông làm len đều có đặc tính riêng. Ví dụ len cừu merino mịn, mềm và ấm, len sợi mohair thì bông mịn trong khi len từ các loại dê thường là rất nhẹ. Nó cũng ảnh hưởng tới việc chọn lựa len phù hợp cho từng ứng dụng.

Thông thường sự khác nhau giữa lông để làm len của các động vật được xác định bởi một số yếu tố chính đường kính sợi đo bằng µm (micron) mà 1 µm = 0.001 milimet); chiều dài sợi; Tính đồng nhất của lông, màu sắc; Độ đàn hồi; Sức mạnh/Độ bền; Độ bóng;... Đường kính sợi là rất quan trọng nhất và ở một số loại sợi len, màu sắc lông tự nhiên cũng rất quan trọng.

Len cừu

Khi nói đến len, nguồn len từ cừu được cho là phổ biến nhất. Hiện nay có tới hơn 200 giống cừu nhưng chỉ một trong số chúng được phát triển giống để lấy len tạo thành các loài cừu lai tạo. Mỗi loài cừu sẽ cho len với các đặc tính khác nhau ít nhiều và từ đó người ta sẽ lựa chọn để sử dụng cho các ứng dụng phù hợp.

Giống cừu Iceland và Shetland có lớp lông kép được phủ một lớp sợi lông cừu chắc chắn và lớp lông cừu bên trong rất mềm, có thể tách rời và sử dụng cho các mục đích khác nhau. 

Len cừa Merino, Rambouillet, Norbouillet, Corriedale và Finn thường mềm và mịn nên thích hợp may trang phục mặc sát da. Len Romney, Jacob, Bluefaced Leicester và len cừu sữa thường bền hơn và phù hợp để may trang phục nhiều lớp.

Các giống len dài như Lincoln, Wensleydale, Leicester và Cotswold có nhiều độ bóng, có nghĩa là chúng hấp thụ thuốc nhuộm và tạo ra các loại vải có màu sắc rực rỡ.  Thích hợp để sản xuất thảm, các sản phẩm gia dụng và công nghiệp

Một số giống tạo ra sợi len có độ đàn hồi và ngắn, tương đối mềm, không dễ tạo cảm giác và rất bền như Southdown và Dorset. Loại len này được dùng để sản xuất hầu hết các loại quần áo len như áo len và tất.

Len cừu Merino

Trong số các loại len cừu, len cừu Merino được đánh giá cao nhất vì sợi lông dài (11-25 µm) và mỏng, chịu lực tốt, rất mềm nên đặc biệt dễ chịu khi chạm vào và rất ấm nhờ đặc tính cách nhiệt cao. Loại này thích hợp cho đồ trẻ em, đồ mặc gần da và được dùng pha trộn với các loại sợi lạ mắt

New Zealand là nước cung cấp len cừu Merino loại len được đánh giá cao nhất, với số lượng lớn.

Len dê Cashmere

Là loại len cao cấp độ mềm và nhẹ, độ sáng và bóng, cách nhiệt và thoát hơi nước vượt trội khi so sánh với độ dày của nó. Loại lông này khác với các loại len khác khi quan sát dưới kính hiển vi ở chỗ có vảy kém rõ ràng, các mép cách nhau và các góc nhẵn.
 

sợi lông dê cashmere


Sợi rất mỏng (16-18 micron), mềm, thường có màu tự nhiên là xám, nâu hoặc trắng, trọng lượng nhẹ nhưng cách nhiệt rất tốt. Lấy len rất tốn thời gian (chải lông, tác lông) nên giá rất đắt. Giá phụ thuộc chiều dài sợi, mức xoăn cứng, độ mịn, đặc biệt là màu sắc của sợi.

Ứng dụng làm mũ nón và khăn choàng cổ, áo khoác, áo len,... Xơ sợi thường được trộn lẫn với len Merino để cân đối chi phí.

Len dê Mohair

Len Mohair lấy từ nguồn lông cừu của loài dê Angora (nguồn gốc Thổ Nhĩ Kỳ) nổi bật với độ mềm mịn, màu trắng, khả năng giữ nhiệt tốt. Sợi lông Angora có độ bóng, dài, đàn hồi và chống mài mòn cao. Nó cũng rất nhẹ và thoáng khí, chống vết bẩn tốt.

Len lạc đà Alpaca Nam Mỹ

Alpaca là động vật có họ lạc đà Nam Mỹ cung cấp nguồn len với đặc điểm rất mịn, rất bền và đặc biệt là không bị 'nỉ hóa' tức là sợi không bị sờn, dính vào các sợi xung quanh. Alpaca có cảm giác mềm mượt hơn cashmere và ít thô hơn len Merino.

Ngoài ra mỗi loài Alpaca cũng cho lông với thuộc tính khác nhau, trong đó len của Huacaya có dạng gợn sóng, đàn hồi hơn còn Suri thì được đánh giá cao về độ mịn hơn.

Alpacas chỉ sản xuất khoảng 10 pound sợi/ năm, khiến cho nguồn lông của chúng cực kỳ hiếm và quý. Đặc biệt lông của Alpaca chưa trưởng thành còn quý hơn nhiều vì nó mỏng hơn và mềm hơn so với các con Alpaca già hơn.

Len lạc đà Bactrian Trung Á

Bactrian còn được gọi là lạc đà hai bướu, loại nuôi ở Trung Á được xem là cho nguồn sợi len tốt nhất với đặc tính rất bền, sáng bóng, mịn, nhẹ và rất ấm.
 

sợi lông lạc đà Bactrian màu tự nhiên


Len Bactrian có thường không được nhuộm màu mà sử dụng màu tự nhiên đặc trưng. Đó chính là màu vàng đặc biệt kèm các sắc thái từ đỏ đến nâu nhạt rất đẹp.

Len lạc đà Vicuna

Len Vicuna lây theo tên gọi của loài động vật thuộc họ lạc đà hoang dã sống ở vùng núi Andes (Nam Mỹ). Số lượng vật nuôi hạn chế, sản lượng lông khai thác được trên mỗi con vật là rất ít và do đó nó được xem là loại sợi động vật đắt nhất thế giới.
 

sợi lông lạc đà Vicuna


Lý do để giá loại len ngày cao vì cũng vì chất lượng tuyệt vời của nó. Sợi vicuna có đường kính chỉ từ 6 - 12µm (micron) nhỏ hơn cả sợi len cashmere (khoảng 15µm). Nó vô cùng mềm mại, mịn màng, bóng đẹp và ấm áp.

Vicuñas cũng có bộ lông kép và lớp lông bên trong là vật sở hữu quý giá, không chỉ vì độ mềm đáng kinh ngạc mà còn vì nguồn cung hạn chế - lớp lông được thu hoạch ba đến bốn năm một lần.

Do  độ mềm, tinh tế và nhạy cảm của sợi nên nó cũng thường được sử dụng màu tự nhiên chứ không được xử lý màu. Sợi lông có màu từ hạt dẻ vàng tới màu nâu vàng đậm.

7.Len tự nhiên và len hỗn hợp

Len tự nhiên

Len tự nhiên được hiểu là loại len có nguồn gốc từ sợi/lông động vật. Cho đến nay, các sản phẩm làm từ len nguyên chất đều mang nhãn hiệu Woolmark (len nguyên chất tự nhiên)

Theo Ban Thư ký Len Quốc tế (IWS), tổ chức chuyên nghiên cứu, kiểm soát chất lượng, hiệu suất và tính thẩm mỹ của các sản phẩm len tự nhiên thì nhãn "len tự nhiên" chỉ áp dụng cho sản phẩm được lấy từ động vật sống và chứa không quá 7% các loại sợi khác.

Len tự nhiên có thể là dạng nguyên chất của một loại lông động vật hoặc pha trộn nhiều loại len tự nhiên khác nhau.

Len Alpaca và Merino

Sự kết hợp của Alpaca và Merino tạo nên loại len mềm, nhẹ, ấm đồng thời có giá phải chăng hơn so với len Alpaca nguyên chất. Trên thực tế len Merino là hàng cao cấp nhưng vẫn có giá cả phải chăng hơn so với len Alpaca vì cừu Merino được nuôi nhiều hơn và có thể tạo ra nhiều len hơn.

Len hỗn hợp

Xơ sợi len có thể được kết hợp với các loại xơ sợi khác để tạo thành len sợi pha vì nhiều mục đích khác nhau.

Cotton và len

Để giảm giá thành sản phẩm len sợi, hỗn hợp cotton và len được trộn lẫn với nhau tạo nên loại sợi phổ biến trên thị trường. Thường thấy là cotton và len Merino. Quần áo làm từ hỗn hợp len này có thể giặt dễ dàng hơn mặc dù không co giãn.

Sợi len và sợi bán tổng hợp

Len tự nhiên kết hợp với các loại sợi bán tổng hợp phổ biến như sợi viscose để tạo thành sợi len hỗn hợp. Tỉ lệ pha trộn tùy thuộc vào mục đích của nhà sản xuất. Ví dụ như kết hợp giữa len Merino suprewash với viscose bamboo tạo ra sợi len rất mềm và mịn.

Sợi len và các loại sợi hỗn hợp khác

Len còn có thể kết hợp đồng thời với cả sợi tự nhiên và sợi tổng hợp khác nhau với rất nhiều thành phần. Ví dụ như có những sợi len có cả sợi viscose, sợi nylon, sợi polyester, sợi cotton, sợi lụa tơ tằm và len. Chúng cho ra sản phẩm sợi mềm, nhẹ và làm len đan phụ kiện, quần áo nhẹ rất đẹp.

8.Các loại sợi len chia theo cách xử lý

Theo cách xử lý sợi dệt khác nhau mà len cũng được chia ra thành loại sợi chải thô, sợi chải kỹ và sợi  dùng cho quần áo nói chung có thể được chia thành 3 loại.

Len chải thô (Carde wool)

Nguyên liệu cho có thể là sợi tự nhiên hoặc làm từ len tái sinh. Sợi ngắn hơn, bề ngoài có nhiều lông, mềm và phồng lên. Loại vải từ sợi len chải thô mềm hơn, nặng hơn và cồng kềnh hơn. Loại sợi này thường có đặc tính ấm hơn và phổ biến để sản xuất quần áo mùa đông.

Len chải kỹ (Worsted wool)

Chải kỹ là một trong số các công đoạn xử lý xơ sợi nói chung. Len chải kỹ được làm từ các sợi dài, thẳng song song, sáng từ đó tạo ra sợi và vải len có độ mịn hơn. Do các sợi song song nên vải từ len này sẽ đặc hơn và kém thoáng hơn.

Tương tự như sợi bông chải kỹ, len chải kỹ xử lý qua nhiều công đoạn cộng với chất lượng sợi đầu vào cao do đó loại bỏ các sợi ngắn nên nó cũng có giá cao hơn loại sợi chải thô.

Sợi chải kỹ là loại có chất lượng cao nhất và tạo ra thành phẩm ít lông tơ, không bị vón cục, mịn và tạo ra vải len nhẹ, chống nhăn tốt, bền chắc.

Len làm đầy (Fulled wool)

Ngoài ra len cũng có thể được đan dệt tạo thành tấm sau đó được ép chặt với nhau thông qua quá trình đặc biệt để tạo ra vải ép hay nỉ ép. Đây là loại vải chặt, nặng, bền.

9.Sợi len phân chia theo thương hiệu

Nhiều nước trên thế giới có ngành chăn nuôi cừu lấy len phát triển như Úc, Argentina, Nam Phi và New Zealand trong khi đó một số nước có các nhà sản xuất len lớn hàng đầu như Anh, Tây Ban Nha, Pháp và Ý.

Trên thế giới có rất nhiều nhà sản xuất len có tên tuổi cung cấp nguồn len sợi đa dạng cả về chất liệu, hình thức và giá cả.

Các loại len nổi tiếng như Lopi (Iceland) có đặc điểm dày dặn, len Valley Yarns (Ý) với nguồn len merino mềm mại,... Các thương hiệu như sợi Cascade, Berroco, sợi Tahki cung cấp nhiều loại sợi len.

Len sợi to Hàn Quốc, len sợi Nhật cũng rất được ưa chuộng như Tharia (Nhật), Milk Cotton (Hàn Quốc), ...

10.Bảo quản len và các sản phẩm từ len

Đối với từng loại len khác nhau, lựa chọn giặt tay, giặt máy, giặt khô là khác nhau. Vì vậy quan trọng nhất là phải đọc kỹ nhãn hướng dẫn chăm sóc và bảo quản sản phẩm từ len. Ví dụ như len Merino có thể giặt được trong máy giặt nhưng len Alpaca thì chỉ nên giặt tay.

Khả năng chịu nhiệt của len thấp nên chỉ được phép sấy ở nhiệt độ sấy tối đa là 60-70 độ C. Nếu ở nhiệt độ 100-105 độ C, len sẽ mất độ ẩm, sợi trở nên cứng và giòn. Với 120 độ C, len chuyển sang màu vàng và bắt đầu phân hủy. 

Không giặt len trong nước nóng có thể khiến len bị dãn ra. Đa số sản phẩm từ len không nên phơi treo trên móc vì sức nặng có thể làm dãn sợi len. Nên phơi trên mặt phẳng.

Nên giặt sản phẩm len bằng xà phòng trung tính hoặc chất tẩy rửa tổng hợp đặc biệt. Lý do vì chất kiềm, đặc biệt là xút sẽ phá hủy sợi len khiến sản phẩm trở nên lỏng lẻo.

Không nên sử dụng hợp chất có chứa clo để tẩy sản phẩm len vì clo làm cho len sẫm màu hơn, bị cứng đi và làm giảm độ bền của. Nên tẩy len bằng natri peroxide, natri perborat, natri hydrosulfite trong môi trường hơi axit. Để loại bỏ vết bẩn trên len, bạn có thể sử dụng bất kỳ dung môi nào vì chúng không có tác động tiêu cực đến sợi len.

Nói chung không nên ủi len vì nó cũng có thể gây hại cho các sợi, sợi vải bị xẹp xuống và quần áo bị hỏng. Nếu vẫn quyết định ủi quần áo làm từ len, hãy đảm bảo sử dụng bàn ủi ở chế độ len trong khi phun nước vào sợi. và sử dụng vải lót giữa bàn ủi và quần áo. 

Trên đây là một số thông tin tìm hiểu len sợi là gì, đặc điểm, cấu trúc, phân loại nguồn gốc len và các vấn đề có liên quan.

Chúng tôi sẽ cập nhật về chủ đề len sợi, vải len, địa chỉ bán len sợi trong các bài viết tiếp theo.

Ngoài ra, nếu có nhu cầu giới thiệu nguồn hàng len sợi nguồn cung hàng len có thể ĐĂNG KÝ GIAN HÀNG trên website Toplist Ninh Hiệp để có thể tiếp cận với hàng ngàn khách hàng tiềm năng mỗi ngày.

Đọc thêm: Toplist cửa hàng bán len sợi sỉ lẻ tại TPHCM

Chia sẻ

Location for : Listing Title