Toplist Ninh Hiệp: Tìm kiếm Đối tác, Cửa hàng, Nguồn hàng
Bạn đang tìm kiếm điều gì?
Vải nỉ lông cừu là gì? - Tìm hiểu vải Fleece

Vải nỉ lông cừu là gì? - Tìm hiểu vải Fleece

  • 26/07/2023
  • 474
  • 1
  • 0

Vải nỉ lông cừu là gì? Phân biệt với các loại vải nỉ khác? Chất liệu, đặc điểm, ứng dụng và ưu - nhược điểm của nỉ lông cừu ra sao? Cùng tìm  hiểu qua bài viết sau nhé!

Xem thêm: Vải nỉ là gì, đặc điểm, phân loại và ứng dụng

Vải lông cừu là gì?

Vải lông cừu tiếng Anh là Fleece fabric, tiếng Trung là 抓绒面料 (zhuā rong mian liao (bề mặt lông cừu). Trong tiếng Việt vải lông cừu còn được gọi là nỉ lông cừu hoặc nỉ mềm. Gọi như vậy để phân biệt với loại nỉ cứng hơn (Felt fabric), được ép thành dạng tấm chứ không phải dệt. Nhiều người cũng gọi là nỉ lông cừu hoặc nỉ mềm. 
 

Vải lông cừu là gì

Cần lưu ý rằng dù gọi với cái tên là lông cừu nhưng nó không có nghĩa là làm từ len lông cừu tự nhiên. Trái lại vải lông cừu chính xác là vải giả lông cừu, được làm từ chất liệu tổng hợp. Cái tên của vải chỉ hàm nghĩa rằng cấu trúc của vật liệu giống với len. Và dù là vải nhân tạo nhưng nó lại có tất cả các phẩm chất của len tự nhiên, và đây là điều tuyệt vời nhất.

Loại vải này ra đời tại Mỹ vào khoảng cuối những năm 70 (thế kỷ 20) và thuộc về phát minh của công ty có tên là Malden Mills. Tên ban đầu của nó là Polarfleece. Mục đích của việc tạo ra loại vải này là cải tiến vật liệu may quần áo thể thao ngoài trời mùa đông giúp cho nó nhẹ hơn, chống ẩm tốt hơn, giữ ấm tốt mà vẫn thoáng. 

Lông cừu vẫn được xem là một vật liệu không dệt. Tuy nhiên trên thực tế nó được dệt bằng máy dệt kim tròn chuyên dụng tốc độ cao để tạo ra vải dệt kim dày đặc. Sau đó bề mặt vải được xử lý bằng các công đoạn khác nhau để tạo ra lớp lông mịn.

Ngày nay, vải lông cừu không ngừng được cải thiện cả về phương pháp sản xuất lẫn các đặc tính mới cũng như các biến thể của vải. Chính nhờ vậy vải lông cừu có thể được sản xuất với nhiều độ mềm, độ dày, kết cấu khác nhau. Nó cũng có thể là loại vải một mặt hoặc có cả hai mặt hoặc đặc tính cách nhiệt cao hơn. 

Một số nhà sản xuất vải lông cừu hàng đầu thế giới như Polartec (Mỹ) với hơn 300 loại vải nỉ lông khác nhau. Gore Windstopper với các loại vải nỉ lông cừu nhẹ, thoáng khí, giữ nhiệt, hút ẩm cực tốt.

Chất liệu vải lông cừu

Là một loại vải cách nhiệt, lông cừu thường được làm từ chất liệu sợi polyester như một lựa chọn thay thế giá rẻ hơn cho len. Các phiên bản sợi tổng hợp khác, có pha trộn hoặc không pha trộn bao gồm từ rayon, cotton, len + cotton, cotton + polyester, nhựa PET tái chế. Vải làm từ các loại sợi tự nhiên thường đắt hơn sợi tổng hợp.

  • Vải lông cừu cotton hoặc cotton pha: Thường được pha trộn với các loại sợi tổng hợp như polyester để cải thiện độ bền và đặc tính thấm ẩm. Loại này thoáng khí và mềm mại tự nhiên.
  • Lông cừu polyester: Phổ biến nhất và được sử dụng rộng rãi. Có khả năng giữ ấm, chống nước và khô nhanh. Độ bền cao và khả năng chống đóng cọc.
  • Lông cừu spandex/Lycra: Còn gọi là vải lông cừu co giãn. Trong thành phần sợi có thêm tỉ lệ sợi spandex tạo độ đàn hồi, giúp cho quần áo ấm mà linh hoạt hơn trong chuyển động.

Đặc điểm và ứng dụng của vải lông cừu

Là một loại vải hàng đầu cho mùa đông lạnh giá, lông cừu có rất nhiều ưu điểm và một số hạn chế. 

Các ưu điểm của vải

Vải lông cừu được ưa chuộng và sử dụng rộng rãi trên toàn thế giới bởi nhiều ưu điểm:

  • Dẫn ẩm, khô nhanh: Vải hút ẩm nhưng không giữ ẩm. Điều này nghĩa là nó có thể chống mồ hôi, đồng thời cho phép hơi ẩm bay hơi cũng như ngăn chặn độ ẩm từ bên ngoài. Nó cũng khô nhanh.
  • Vải nhẹ: Trọng lượng riêng thấp nên khá thoải mái khi mặc ngoài trời.
  • Mềm mại: Vải dệt kim lông cừu có kết cấu mềm mại, tạo cảm giác thoải mái khi mặc trên da.
  • Chống nước: Đặc tính này vốn có do thành phần tổng hợp của nó. Polyester đẩy nước nên là lựa chọn phù hợp cho các hoạt động ngoài trời hoặc trong điều kiện ẩm ướt.
  • Có tính đàn hồi: Khác với nỉ ép, nỉ lông cừu không cản trở chuyển động nhưng vẫn giữ được hình dạng ban đầu.
  • Thoáng khí: Dù làm bằng polyester nhưng cấu trúc sợi vải đặc biệt giúp cho vải thoáng khí. 
  • Cách nhiệt tốt: Kết cấu cọc lông sâu giúp giữ không khí bên trong các sợi vải, từ đó tạo ra một rào cản nhiệt, giúp giữ nhiệt cho cơ thể.
  • Bền và chống mài mòn tốt, đặc biệt là so với các loại vải tự nhiên. Lông cừu không dễ bị vón cục hoặc sờn. Điều đó có nghĩa rằng bạn có thể mua vải lông cừu để may quần áo mặc lâu dài. 
  • Không yêu cầu chăm sóc đặc biệt.
  • Dễ may: Do không bị sờn mép vải, vải dễ cắt và may

Hạn chế của vải 

  • Nhạy cảm với nhiệt: Với nhiệt độ cao vải dễ chảy hoặc biến dạng nếu tiếp xúc với các nguồn nhiệt trực tiếp (bàn, máy sấy)
  • Một số loại dễ đóng cọc: Bị vón cục nghĩa là sự xuất hiện các bóng sợi nhỏ trên bề mặt xù của vải. Từ đó làm giảm đi độ mịn và vẻ ngoài của vải.
  • Tích tụ tĩnh điện: Vấn đề này đôi khi gây cảm giác khó chịu hoặc bám dính vào cơ thể khi mặc.
  • Độ co giãn và phục hồi hạn chế: Nếu không có thêm thành phần sợi co giãn, quần áo vải dệt kim lông cừu có thể thiếu linh hoạt và khả năng phục hồi hạn chế.
  • Tác động môi trường: Điều này nói đến loại vải làm từ sợi tổng hợp có nguồn gốc từ dầu mỏ, có tác động đến môi trường và không có khả năng phân hủy sinh học.

Tất nhiên nhờ công nghệ sản xuất ngày càng hiện đại, nếu là loại vải cao cấp thì những hạn chế này có thể được khắc phục nhờ việc sử dụng lớp phủ hoặc chất hóa học,...

Ứng dụng của nỉ lông cừu

Sở hữu những ưu điểm rất quan trọng, lông cừu đã tìm thấy ứng dụng trong nhiều mẫu mã khác nhau, nhưng hầu hết nó thường được sử dụng để may đồ thể thao. Ví dụ, những người leo núi thường mặc áo khoác lông cừu như một phần của trang phục ba lớp và những người đi bộ đường dài chọn những bộ quần áo lông cừu.

Bên cạnh đó, nhiều phụ kiện thời trang mũ, găng tay, hay đồ công sở mùa đông như quần tây, áo khoác, áo ghi lê cũng có thể được may bằng vải nỉ lông cừu dành cho mặc hàng ngày.

Các loại vải lông cừu

Có nhiều loại vải lông cừu được sản xuất và các phiên bản mới thường ra đời với nhiều ưu thế hơn. Phần lớn trong số chùng được gọi tên bởi sự khác nhau dễ thấy khi quan sát bề mặt. Đó có thể là độ dài, dày, mượt của phần sợi lông trên bề mặt vải. Một số loại phổ biến bao gồm: 

Lông cừu vùng cực (Synchilla)

Là loại vải dày và nặng nhất, có khả năng cách nhiệt cao, rất ấm và chứa đầy đủ các đặc tính của vải lông cừu nói chung. Lông cừu cực phổ biến cho áo khoác ngoài dày, chăn và phụ kiện trong thời tiết lạnh giá nhất.
 

lông cừu kiểu pháp và lông cừu


Lông cừu kiểu Pháp

Là một loại vải dệt kim với các vòng sợi ở một bên và bề mặt nhẵn ở bên kia. Vải có sự cân bằng giữa độ ấm và thoáng khí nhưng không ấm bằng lông cừu vùng cực. Trọng lượng của nó ở mức trung bình và do đó nó thường nhẹ hơn và có khả năng thoáng khí hơn so với lông cừu cực.

Xét về độ mượt và ấm thì không bằng lông cừu vùng cực. Loại vải này phù hợp may áo khoác nỉ, áo hoodie và quần áo mặc trong nhà,...

Lông cừu siêu nhỏ (Micro-Fleece)

Đây là loại vải mỏng nhất và nhẹ nhất và thoáng khí nhất trong họ vải lông cừu. Trọng lượng khoảng trên dưới 200 gam/ mét vuông (200 gsm). Đặc tính mềm mại, uyển chuyển nhờ sự co giãn tạo nên cảm giác thoải mái tối đa.

Microfleece được ưu tiên sử dụng cho quần áo hoạt động thể chất, may quần áo năng động như quần áo tập thể dục, quần áo ngoài trời, áo len,... Sử dụng trong áo khoác nhẹ, lớp nền và chăn. Tuy nhiên nó không được ấm bằng lông cừu thường.
 

vải sherpa


Vải Sherpa lông cừu

Cũng được xếp vào loại vải lông cừu với một mặt cấu trúc sợi xoăn xù và một mặt phẳng. Thường dùng làm lớp lót cho quần áo mùa đông, áo khoác, áo vest và chăn ấm.

Chăm sóc bảo quản vải lông cừu

Có ưu điểm là dễ chăm sóc, tuy nhiên bạn vẫn nên tham khảo những lưu ý với loại vải này. 

  • Giặt tay hoặc bằng máy ở chế độ tinh tế hoặc nhẹ nhàng ở nhiệt độ nước không quá 40°C. Lý do vì nếu nước quá nóng (trên 60°C) có thể khiến phần lông cừu mất chất lượng.
  • Chỉ cần vắt nhẹ
  • Chọn nước giặt thay vì bột giặt
  • Làm khô vải lông cừu một cách tự nhiên bằng cách treo lên và để kh.
  • Không làm khô trong máy giặt, sử dụng máy sấy quay hoặc trong máy sấy, cũng như trên bộ tản nhiệt, lò sưởi, gần nguồn nhiệt, trên lửa;
  • Không thể ủi vì nếu gặp nhiệt độ trên 60 độ C thì sợi lông có thể bị co, chảy và không thể phục hồi được.

So sánh vải lông cừu với len? 

Về trọng lượng: Khi so sánh với len với vải lông cừu, mặc dù len có nguồn gốc tự nhiên nhưng lại cồng kềnh và nặng hơn. Trong khi đó vải lông cừu nhẹ và mềm hơn, ngay cả khi dính nước.

Chống dị ứng: Một số người cho rằng len sẽ gây ngứa nhưng điều này có thể loại bỏ nếu mặc đồ vải lông cừu nhân tạo.

Chống nước: Vải lông cừu có khả năng chống nước nhưng nếu trời mưa quá to thì vải cũng không trở thành lớp cách nhiệt tốt. ĐIều này thì len có thể làm tốt hơn. Tuy nhiên nếu bị ướt thì len lại rất nặng đối với quần áo ngoài trời.

Thoáng khí: Cả hai chất liệu đều thoáng khí và ấm áp như nhau nhưng lông cừu mềm và nhẹ hơn. 

Trên đây là đáp án cho câu hỏi vải lông cừu là gì và các thông tin có liên quan dành cho những ai chưa biết về loại vải được ưa chuộng hàng đầu trong mùa đông này. 

Xem thêm: Địa chỉ bán vải nỉ tại TPHCM giá tốt

Chia sẻ

Location for : Listing Title