Toplist Ninh Hiệp: Tìm kiếm Đối tác, Cửa hàng, Nguồn hàng
Bạn đang tìm kiếm điều gì?
Vải organza là gì? Đặc điểm, phân loại và cách chọn mua

Vải organza là gì? Đặc điểm, phân loại và cách chọn mua

  • 19/07/2023
  • 349
  • 1
  • 0

Vải organza là gì, có đặc điểm ra sao, ứng dụng như thế nào? Cách chọn vải organza cho các dự án thời trang như thế nào? Các thông tin dưới đây chắc chắn sẽ hữu ích cho những ai muốn tìm hiểu về một trong các loại vải may mặc và trang trí quyến rũ bậc nhất này.

Đọc thêm: Địa chỉ bán vải voan chiffon sỉ lẻ giá tốt trên toàn quốc

1.Vải organza là vải gì?

Vải organza tiếng Anh là organza fabric, là loại vải dệt trơn (thuộc phương pháp dệt thoi) với trọng lượng nhẹ đến rất nhẹ, thường có bề ngoài bóng hoặc hơi bóng, trong suốt hoặc hơi mờ. Quá trình sản xuất organza sợi dọc và sợi ngang thường phải có cùng kích thước, cùng số đầu sợi trên mỗi inch.

Đây là kiểu dệt trơn cân đối và các sợi dệt được xoắn chặt trước khi dệt. Sự xoắn mạnh của các sợi dệt làm cho vải trở nên cứng để giữ hình dáng tốt.
 

Vải organza là vải gì?


Organza hiện đại có sự phong phú hơn về chất liệu, hoa văn và màu sắc. Có thể được làm từ sợi tổng hợp (sợi polyester, sợi nilon) sợi tơ nhân tạo hay viscose. Bề mặt vải mịn có thể là mịn, nhăn, một màu hoặc nhiều màu. Họa tiết trên vải có thể được in hoặc cắt laser hoặc đục lỗ hình. Giá cả cũng được cải thiện để phù hợp với đa số người tiêu dùng. 

Organza là một loại vải rất linh hoạt và do đó có thể thấy nó được sử dụng trong thời trang may mặc như váy cưới, váy dạ hội, đồ trang trí nhà cửa và nhiều mục đích trang trí khác. 

Lịch sử của vải Organza

Loại vải có từ lâu đời, được làm từ sợi tơ tằm chất lượng, tạo nên một loại vải vô cùng đẹp nhưng rất đắt tiền. Có ý kiến cho rằng nguồn gốc chính xác của organza là không rõ ràng vì vải này đã được sử dụng trong nhiều thế kỷ ở nhiều nền văn hóa khác nhau. Tuy nhiên người ta vẫn nhắc đến nó như một loại vải gắn liền với con đường tơ lụa nổi tiếng trong lịch sử từ châu Á đến châu Âu. 

Về mặt tên gọi, Organza không phải là từ bắt nguồn từ tiếng Trung, mặc dù loại vải này có từ thời cổ đại ở Trung Quốc đã có. Có quan điểm cho rằng "Organza” được lý giải là hai thuật ngữ bắt nguồn từ vùng đất thời cổ đại có tên là “Urgang” (thuộc Turkmenistan), một vùng phổ biến cho các chợ tơ lụa. Khi người phương Tây biết đến từ Urgang vào thời Trung Cổ, họ biến nó thành từ “Organza”.

Organza truyền thống được sử dụng cho trang phục trang trọng và nghi lễ, bao gồm cả trang phục cô dâu.

Chất lượng vải Organza được đánh giá như thế nào?

Xét về phương pháp dệt, là loại vải dệt trơn nhẹ nên chất lượng vải không được đánh giái bằng số lượng sợi dệt mà bằng số lỗ trên mỗi cm2 hoặc inch. Càng nhiều lỗ hơn có nghĩa là vải dệt chặt hơn và có chất lượng cao hơn. Nếu số lỗ trên bề mặt ít đi, có nghĩa là vải dệt thưa hơn, lỗ rộng hơn. 

Tuy nhiên trên thực tế khi mua vải, ít ai biết được các thông số về lỗ vải. Nó vẫn được tính thông qua số gam/m2, tức là trọng lượng vải. Các loại vải siêu nhẹ thậm chí chỉ khoảng 20 - 25gsm. Loại nhẹ từ 100 - 150gsm.

Đánh giá chất lượng về mặt chất liệu, Organza làm bằng tơ tằm truyền thống là cao cấp nhất, đắt nhất cho đến hiện nay. Nó cũng bao gồm nhiều ưu điểm hơn hẳn so với Organza làm từ các chất liệu sợi dệt khác. (Xem kỹ hơn ở phần dưới).

Khi mua vải Organza để để ý các lỗi trên vải thường gặp có thể gồm bị rách, rút sợi, thủng lỗ,... Đây là lỗi sinh ra khi mà bề mặt vải quá mỏng manh và chỉ một chút vướng, mắc vào các vật nhọn hoặc tiếp xúc với các bề mặt vật liệu thô nhám là có thể bị lỗi vải. 

2.Phân biệt Organza với các loại vải dệt nhẹ khác

Trong danh sách các loại vải sheer (vải dệt nhẹ), organza đôi khi có thể bị nhầm lẫn với các tên gọi như voan, vải tuyn, lưới, ren,... Sở dĩ như vậy vì các loại vải hiện đại dựa trên sự phát triển của phiên bản truyền thống không chỉ mở rộng về chất liệu, công nghệ dệt, phương pháp công nghệ sau dệt vải,... Điều này khiến cho vải có sự giao thoa một số điểm giống nhau. Trên thực tế chúng có những điểm chung nhưng cũng có những khác biệt tinh tế. Việc phân biệt là cần thiết để có những lựa chọn phù hợp hơn.

Organza với vải Organdy

Sự khác biệt cơ bản nhất là về mặt chất liệu. Organdy trong lịch sử được làm bằng sợi cotton còn organza là lụa. Điều này cũng tồn tại cho đến ngày nay cho dù chất liệu để sản xuất vải đã mở rộng hơn. Chính khác biệt này đem đến đặc điểm nổi bật cho hai loại vải. Organdy từ cotton (hình dưới) mềm chứ không cứng giòn, trông không sắc nét, không có độ bóng sáng như organza. 
 

vải cotton organdy


Mặt khác dù hiện nay Organdy có tthể được xử lý và hoàn thiện để tăng thêm độ giòn, độ sáng bóng nhưng nó vẫn là một loại vải khác với Organza.

Organza với vải tuyn

Tuyn là một dạng tinh tế của vải lưới. Nó có thể được dệt bởi nhiều phương pháp khác nhau. Trong khi đó oganza là vải dệt trơn với sợi xoắn rất chặt chẽ cho kết cấu cứng hơn tuyn.

Các lỗ trên bề mặt vải tuyn thường lớn hơn và có thể nhìn rõ. Organza cũng có các khoảng trống là lỗ, chính là khoảng cách đan xem giữa sợi dọc và sợi ngang. Nhưng các lỗ này rất nhỏ và thường không đáng kể. Nếu số lượng lỗ trên 1 đơn vị diện tích càng lớn thì được cho là loại vải organza tốt hơn. 

Organza nhấn mạnh đến vẻ ngoài sáng, bóng và bắt sáng tốt và nó có ưu thế hơn hẳn so với vải tuyn.

Organza với vải chiffon

Cả hai giống nhau vì đều thuộc loại vải sheer (mỏng nhẹ). Vải chiffon có độ rủ cao và mềm hơn nhiều trong khi organza cứng và thậm chí có thể giữ dáng dễ dàng ghi tạo nếp gấp.

Organza với vải chiffon

Chiffon không bóng lắm trong khi organza có thể bóng hoặc rất bóng. 

Organza với vải ren

Organza có thể được thêu hoặc xử lý cắt laser để tạo thành loại vải openwork hoặc có thể đính các hạt trang trí giống như việc áp dụng trên vải ren. Nhưng ren không chú trọng vào độ sáng, bóng và kết cấu sắc nét và độ siêu nhẹ vốn là đặc điểm của organra.

Organza với vải Georgette

Organza có kết cấu sắc nét do được dệt trơn chặt chẽ và có cảm hơi cứng. Kết cấu vải tạo nên yếu tố cấu trúc cho quần áo trong khi độ bóng và mỏng mang lại vẻ ngoài tinh tế. Georgette có kết cấu mềm và lỏng hơn, có độ rủ rõ rệt chứ không cứng và tạo cấu trúc. 

2.Đặc điểm và ứng dụng chính của Organza

Các tính chất của organza được xác định bởi thành phần hóa học của sợi dệt, các bước xử lý và công nghệ hoàn thiện vải. Từ các tính chất đó, có thể thấy được cả ưu điểm và hạn chế của nó.

Ưu điểm của vải

  • Bóng đẹp: Điểm nổi bật của organza để phân biệt với các loại vải nhẹ khác như tuyn, chiffon,... 
  • Trong suốt: Có rất nhiều loại vải dệt trơn nhẹ nhưng Organza là một trong số chất liệu trong suốt có thể nhìn xuyên qua. Càng nhiều lỗ trên mỗi inch, chất lượng vải càng cao.
  • Rất mỏng, nhẹ: Vải cực kỳ mỏng do nó được dệt bởi các sợi đã được làm xoắn rất chặt trước đó. Trọng lượng của nó cũng rất nhỏ và thậm chí được gọi là vải không trọng lượng.
  • Bắt sáng tốt: Bề mặt vải organza bắt sáng và phản xạ tia sáng tốt. Chính xác thì đặc điểm sợi vải và cách xử lý sợi trước dệt đã tạo nên đặc điểm này của vải. 
  • Độ cứng: Đây là đặc điểm được tạo nên có mục đích thông qua việc xử lý sợi dệt bằng axit trước khi dệt. Nhờ đặc tính này, vải giữ được hình dạng tốt, dễ tạo nếp gấp cho mục đích sử dụng.
  • Không bị co, giữ cấu trúc tốt: Trong quá trình sử dụng, vải không bị co lại và không thay đổi hình dạng.

Hạn chế của vải

Về cơ bản organza  không có nhiều hạn chế. Một số điểm cần chú ý như sau:

  • Chi phí khá cao (nhất lụa organza)
  • Có thể hơi khó chịu về mặt xúc giác khi bề mặt vải tiếp xúc trực tiếp trên da. Lý do vì vải mềm nhưng vẫn hơi thô ráp một chút. Nên sử dụng Organza làm lớp vải trang trí trên các vật liệu thì sẽ dễ chịu hơn;
  • Ít thoáng khí (nhất là polyester organza)
  • Khó xử lý và cắt: Lý do vì vải mỏng nhẹ và trơn. Nên cắt thừa ra ở mép vải 3-4 cm.
  • Vải khá nhẹ và tinh tế nên dễ bị đứt, rách, thủng.
  • Do độ trong suốt và mỏng, trong may đo quần áo, organza cần được sử dụng kết hợp với các vật liệu khác.

Organza được dùng làm gì?

Các ứng dụng của vải chủ yếu được khai thác nhờ vào các đặc tính độc đáo kể trên của nó. 

  • Ứng dụng phổ biến nhất là dành cho váy cưới nhiều lớp vì organza siêu nhẹ, và giữ nếp tốt, có thể may váy nhiều lớp mà không nặng.
  • Dùng làm diềm xếp nếp, tay áo phồng và váy nhiều lớp, tạo thêm cảm giác về khối lượng và kích thước cho quần áo.
  • Khả năng bắt sáng hay phản xạ ánh sáng giúp cho trang phục trở nên lộng lẫy hơn dưới ánh đèn sân khấu, dạ hội,...
  • Làm vải trang trí: Trong suốt và nhẹ khiến Organza rất phù hợp để tạo nơ, ruy băng, lớp phủ và các chi tiết trang trí khác. Trong khi đó loại Organza trong mờ làm tăng thêm sự thú vị về mặt thị giác cũng như nét tinh tế cho hàng may mặc, phụ kiện hay các điểm nhấn trang trí.
  • Nhìn tổng thể vải có vẻ ngoài đẹp mắt, quyến rũ và trang trọng nên rất thích hợp cho những dịp đặc biệt và sự kiện trang trọng hay các thiết kế may mặc cần đến vẻ thanh tao và mơ mộng, tinh tế và lãng mạn,...

3.Cách chọn vải Organza theo chất liệu

Organza hiện đại được phân biệt bởi chất liệu và cách thức hoàn thiện bề mặt vải. Chính vì vậy việc chọn chất liệu phù hợp và hoa văn đẹp không đơn giản. Thêm vào đó việc vải được làm từ nhiều chất liệu sợi khác nhau cũng có sự khác biệt đáng kể về giá cả. Đây là điều mà cả người bán vải và người mua đều cần quan tâm.

Về mặt chất liệu sợi, cũng như sự phát triển của hầu hết các loại vải hiện đại, oganzacó thể được làm từ nhiều nguyên liệu thô khác nhau. Có thể từ 1 loại sợi riêng lẻ hoặc kết hợp các loại sợi dệt khác để cho ra vải pha với tỉ lệ được điều chỉnh theo mục đích sử dụng.

Organza chất liệu tơ tằm (Organza silk)

Đây là loại vải truyền thống, sử dụng sợi tơ tằm chất lượng để dệt vải. Vải mỏng nhẹ, độ bóng đẹp, có màu sắc đẹp mắt và một cái nhìn sang trọng cũng giống như bất kỳ loại vải nào làm bằng sợi tơ tằm tự nhiên.

Loại này không có cảm giác bị thô ráp khi tiếp xúc trực tiếp với da. Nó cũng không bị bí bách nếu mặc mặc lâu. Thường sử dụng cho váy cưới hay các trang phục dạ hội đắt tiền. Là loại vải cao cấp, nó có giá cao.

Organza chất liệu lụa nhân tạo

Sử dụng sợi bán tổng hợp viscose làm từ bột gỗ thông qua các quy trình xử lý khác nhau để tạo thành sợi vải. Loại này được coi là sự thay thế cho tơ tự nhiên để có giá thành vải hợp lý hơn mà vẫn đảm bảo chất lượng cả về độ sáng bóng và thoáng khí. Trên thực tế các loại vải làm viscose trông rất giống lụa tự nhiên và vì vậy nếu không có kinh nghiệm mua vải rất có thể bị lẫn.

Organza làm từ sợi tổng hợp

Organza làm từ sợi polyester hoặc ni lon cũng cho bề mặt sáng bóng nhờ được xử lý bằng các phương pháp bổ sung trong quá trình sản xuất.

Hạn chế là vải không được thoáng khí bằng loại làm từ sợi tơ tằm hoặc có thể gây dị ứng với người có làn da quá mẫn cảm. Về giá cả, loại này rẻ nhất, rất bền và được sử dụng phổ biến nhất hiện nay. 

Organza lurex

Phiên bản vải pha với sự kết hợp của sợi tự nhiên như lụa hoặc sợi tổng hợp cùng sợi lurex (sợi có bề ngoài giống kim loại, được làm từ màng tổng hợp, trên đó có một lớp nhôm, bạc hoặc vàng hóa hơi.). Sự xuất hiện của sợi lurex khiến cho bề mặt vải ngoài độ bóng còn có độ sáng lấp lánh và phản chiếu ánh sáng rất đẹp.
 

Organza lurex


Lurex có thể được sử dụng để dệt hoa văn trên vải trong phiên bản Organza jacquard hoặc tạo thành các sợi sọc kim tuyến hoặc đan xen với tỉ lệ lớn hơn.

4.Chọn Organza theo màu sắc, hoa văn

Organza hiện đại được thể hiện đa dạng trong nhiều màu sắc, họa tiết, hoa văn nhờ công nghệ sản xuất vải ngày càng  phát triển. Điều này đem lại nhiều lựa chọn hơn cho người dùng

Organza pha lê (Crystal organza)

Đơn sắc, mỏng, kết cấu sắc nét và trong suốt, tương tự như organza truyền thống. Đặc điểm chính để xác định là vẻ ngoài sáng bóng, mang lại hiệu ứng lấp lánh.
 

vải oganza


Loại vải này thường được sử dụng trong trang phục trang trọng, váy dạ hội và các điểm nhấn trang trí khi muốn có nét quyến rũ.

Organza bóng kính (Mirror organza)

Organza cầu vồng hay còn gọi là voan bóng kính. Loại vải này có đặc điểm phản xạ và tán sắc ánh sáng trông như màu sắc của cầu vồng. Hiệu ứng màu sắc bắt mắt này đạt được bằng cách kết hợp các sợi ngang và sợi dọc nhiều màu hoặc sợi lurex.

Điểm độc đáo này khiến cho vải có ứng dụng phổ biến trong các loại trang phục biểu diễn vì nó có thể phản xạ ánh sáng của đèn sân khấu, khiến cho bộ trang phục trở nên lộng lẫy  hơn.Nó cũng có thể dùng cho màn cửa, các đồ trang trí để tạo vẻ ngoài rực rỡ và bắt mắt.

Organza jacquard
 

Organza jacquard silk


Là loại vải có hoa văn dệt trực tiếp lên vải chứ không phải thông qua in ấn sau dệt, bằng cách sử dụng các sợi có độ dày, màu sắc và thành phần khác nhau. Loại vải này cao cấp, rất đẹp và có thể sử dụng đa mục đích như may váy, vải trang trí, may rèm cửa,... Do có thêm phần hoa văn cỡ lớn, loại này thường nặng hơn so với loại vải trong suốt không hoa văn.

Organza thêu (Embroidered Organza)
 

Organza thêu


Loại vải nền bằng chất liệu tổng hợp hoặc bán tổng hợp (viscose) có thêu chỉ trên bề mặt, được sử dụng cho trang phục cô dâu và trang phục dạ hội. Trong nội thất, nó được sử dụng cho các hiệu ứng trong phòng ngủ và giữa các phòng.

Organza nhăn (Organza Crash)

Loại vải mô phỏng kết cấu hơi nhăn, là một đặc điểm của các loại vải Crash. Đây là hiệu ứng được xử lý sau dệt vải để tạo tạo ra kết cấu nhàu hoặc rạn nhăn. Nó có thể được ứng dụng làm ruy băng, gói quà đẹp mắt. Nó còn được sử dụng trong váy,  lớp phủ và đồ trang trí trên bàn để có vẻ ngoài đặc biệt và hiện đại.

Organza có hoa văn in hoặc khắc
 

Organza có hoa văn


Organza với các đường chỉ kim tuyến

Chính là sự kết hợp của sợ dệt với các sợi kim loại tạo nên các đường kẻ sáng đẹp lấp lánh

Organza đính hạt trang trí

Loại này thường có trọng lượng nặng hơn các loại vải nói trên và kết cấu cứng hơn để giữ được các hạt trang trí trên vải.

vải organza đính hạt trang trí


Ở góc độ nào đó loại này nhìn khá giống vải tuyn lưới đính hạt trang trí. Tuy nhiên organza vẫn luôn được nhấn mạnh ở khả năng giữ cấu trúc tốt của vải.

Nhìn chung vải organza hiện đại có tính linh hoạt về mặt tùy chỉnh nhờ các công nghệ dệt, nhuộm, thêu, in hoặc được trang trí bằng hạt, sequin, pha lê,... Nó không hạn chế sự sáng tạo của các nhà sản xuất vải cũng như người sử dụng để phù hợp cho các mục đích, dự án khác nhau.

5.Chăm sóc sản phẩm vải organza

  • Tốt nhất là nên giặt khô. Tránh giặt máy. Giặt tay thì chỉ nên vò nhẹ tránh làm hỏng sợi vải
  • Tránh ngâm trang phục từ organza trong nước lạnh quá lâu, thường từ 5 đến 10 phút là tốt hơn.
  • Sử dụng bột giặt trung tính là tốt nhất. Không dùng thuốc tẩy clo vì có thể phá hủy cấu trúc vải. 
  • Phơi trong bóng râm, không phơi ngoài nắng để tránh ảnh hưởng đến độ bền và độ bền màu của sợi vải, lộn trái quần áo để phơi
  • Không nên xịt nước hoa, nước thơm, chất khử mùi,... lên vải cũng như không sử dụng băng phiến khi bảo quản vì Organza sẽ hấp thụ mùi hoặc làm đổi màu.
  • Nên treo quần áo trên móc treo trong tủ. Nếu xếp lớp thì để trang phục vải lên lớp trên cùng để tránh bị biến dạng, nhăn.

Trên đây là một số thông tin trả lời câu hỏi Vải organza là gì, đặc điểm, ứng dụng, cách chọn lựa vải và bảo quản vải,... Để tìm kiếm địa chỉ mua vải organza hay các loại vải ren, vải lưới, vải chiffon,... bạn vui lòng tham khảo thêm Danh sách các Cửa hàng vải hoặc các bài viết có liên quan trên website Toplist Ninh Hiệp.

Xem thêm: Vải lưới là vải gì? Cách chọn  mua vải lưới

Chia sẻ

Location for : Listing Title