Toplist Ninh Hiệp: Tìm kiếm Đối tác, Cửa hàng, Nguồn hàng
Bạn đang tìm kiếm điều gì?
Vải satin là vải gì - đặc điểm, ứng dụng và phân loại vải

Vải satin là vải gì - đặc điểm, ứng dụng và phân loại vải

  • 12/06/2023
  • 453
  • 1
  • 0

Vải satin là vải gì, có tính chất gì và ứng dụng ra sao? Phân loại các loại vải satin như thế nào? Rất nhiều thông tin sẽ được Toplist Ninh Hiệp tổng hợp trong bài viết dưới đây để bạn đọc tham khảo.

Xem thêm: Danh sách các dạng lỗi vải thường gặp

1.Vải satin là vải gì?

Vải satin (sa tanh) là tên gọi của loại vải được dệt theo kiểu dệt satin (thuộc phương pháp dệt thoi) với một mặt rất mịn và có độ sáng bóng còn một mặt mờ và thô hơn. Điều cần ghi nhớ rằng satin không phải là từ để chỉ nguyên liệu thô hay tên của loại sợi dệt mà nó cấu trúc vải.
 

kiểu dệt satin
 

Kiểu dệt satin là 1 trong 3 kiểu dệt thoi cơ bản, cùng với dệt chéo và dệt trơn. Điểm đặc biệt của kiểu dệt satin là có rất ít điểm đan xen gặp gỡ của các sợi dệt dọc và sợi ngang. Như hình trên, sợi dọc được thả nổi trên sợi ngang. Điều này có nghĩa là các sợi thả nổi cùng chiều tập trung lại khiến cho bề mặt vải trông rất mịn màng và óng ả. 

Lưu ý rằng dệt sa tanh có nhiều biến thể phụ thuộc vào số đầu sợi: ví dụ như kiểu dệt 4/1; 5/1; 8/1. Dệt satin có thể được chia thành satin sợi dọc hay dệt dọc (hình trên) và satin sợi ngang. Đi sâu vào vấn đề này khá phức tạp và chúng tôi sẽ đề cập trong bài viết khác.

dệt satin kiểu ngang

Có nhiều yếu tố ảnh hưởng tới tính chất của vải dệt satin mà quan trọng là độ xoắn, hướng xoắn và mật độ của sợi dọc và sợi ngang. Trừ khi bạn đặt hàng sản xuất vải satin tại nhà máy, còn thông thường khi mua vải satin, các yếu tố này không được đề cập đến. Do đó rất khó đển lấy đó làm căn cứ đánh giá chất lượng vải mà nhìn chung chỉ có thể quan sát bề mặt vải, độ bóng, độ sáng, độ mịn mềm và hỏi về thành phần chất liệu dệt vải.

Vải satin truyền thống được làm từ sợi tơ tằm (lụa) nhưng ngày này nó cũng được làm từ sợi tổng hợp, chủ yếu là polyester hoặc nylon và có thể thêm sợi spandex co giãn. 

2.Phân biệt satin với sateen, lụa

Do chỗ có sự phát triển của ngành công nghiệp dệt hiện đại, các loại sợi dệt, kiểu dệt có ứng dụng ngày càng đa dạng. Một kiểu dệt có thể áp dụng cho nhiều loại sợi vải khác nhau, ngược lại, một loại sợi cũng có thể được dệt bởi nhiều kiểu dệt khác nhau. Kết quả là cho ra rất nhiều tên gọi về các loại vải khác nhau. Satin và sateen là một trường hợp như thế.

Phân biệt satin và sateen

Sateen và Satin (sa tanh) nghe phát âm gần như giống nhau và cũng khá giống nhau về hình thức. Đó chính là lý do đôi khi có thể gây nhầm lẫn giữa hai loại. Về cơ bản thì cả hai từ đều nói đến phương pháp dệt, nhưng cấu trúc cũng như hàm lượng sợi là khác nhau.

Để làm ra vải satin, các loại sợi dài (filament) được sử dụng bao gồm sợi tơ tằm, nylon, rayon,... Trong khi đó vải sateen cũng dệt theo kiểu dệt satin nhưng bằng sợi ngắn (spun yarns) có thể lấy từ sợi bông, lanh nhưng thường là bông.

Xét về độ bóng, satin có độ bóng cao phản chiếu ánh sáng nên có vẻ ngoài bóng bẩy hơn. Vải mịn mượt thích hợp cho may mặc vào dịp trang trọng. Sateen bóng nhẹ nên cảm giác có độ sáng dịu cho vải. Nó mịn nhưng không mượt. Phù hợp để sử dụng hàng ngày.

Tuy nhiên trên thực tế thì satin hay sateen không quá khác nhau về vẻ ngoài và do đó đôi khi người ta thường gọi sateen là satin cotton.

Phân biệt satin và lụa (silk)

Satin chỉ loại tên gọi của vải theo cách dệt hay loại vải dệt bao gồm nhiều chất liệu khác nhau trong đó có tơ tằm (siik). Khi nói đến vải satin để hiểu rõ tính chất vải người ta sẽ kèm theo thành phần chất liệu: ví dụ như satin cotton, satin poly, satin ny long,...

Còn lụa là tên gọi nguyên liệu thô và nó có thể được dệt thành vải thông qua nhiều kiểu dệt khác nhau ví dụ như dệt chéo, dệt trơn, trong đó có kiểu dệt satin.

Do vậy có thể nó lụa là nguyên liệu, satin là kiểu dệt. Lụa satin là vải lụa được dệt kiểu satin để phân biệt với lụa dệt chéo, lụa nhăn hay lụa gấm,...

Phân biệt Satin và Taffeta

Cả hai loại đều có thể được làm từ những loại sợt dệt giống nhau nhưng kiểu dệt là khác nhau. Vải satin được dệt theo kiểu dệt satin với nhiều định lượng từ nhẹ đến trung bình hoặc dày, một mặt bóng và một mặt xỉn mờ. Vải Taffeta là vải dệt trơn, được tạo ra bằng cách xoắn sợi khi dệt một cách chặt chẽ nhưng vải rất nhẹ, sắc nét.

Taffeta nổi bật với khả năng giữ form rất tốt nhưng nó cũng dễ hình thành nếp gấp khó làm phẳng. Satin lại có đổ rũ cao và không bị nhăn. Satin trơn mịn còn Taffeta mờ và thô hơn, không bóng hay lấp lánh cầu vồng như bề mặt satin.

3.Tính chất của vải dệt satin

Vải satin có từ thời cổ đại và ban đầu được làm từ tơ lụa. Ngày nay nó được làm từ nhiều loại sợi dài khác nhau, còn gọi là satin phi lụa. Điểm chung cho kiểu dệt đem lại là độ sáng bóng trên bề mặt, bền chắc, chống nhăn. Tuy nhiên với vải satin phi lụa, các tính chất khác của loại vải óng ả này cũng sẽ khác nhau do có sự khác biệt về thành phần sợi dệt.

Vì vậy khi mua vải satin ngoài giá cả, việc lựa chọn thành phần chất liệu satin là rất quan trọng. Điều này là để phù hợp với  mục đích sử dụng vải của bạn cho các ứng dụng cụ thể hoặc thời tiết cụ thể. 

Khả năng điều nhiệt của satin

Nếu bạn băn khoăn rằng 'vải satin có mát không?' thì câu trả lời là có hoặc không. Satin làm từ tơ tự nhiên hay các sợi tự nhiên khác có thể mát hoặc tương đối mát do tính chất của sợi. Tuy nhiên nếu làm từ sợi nylon hoặc polyester, khi sờ trên bề mặt vải ban đầu bạn sẽ thấy mát tay nhưng khi mặc đồ bằng vải này trong thời gian dài sẽ thấy không mát, thậm chí còn nóng và bí bách. Nguyên nhân bởi do ảnh hưởng của đặc điểm sợi tổng hợp này đem lại.
 

vải satin là vải gì


Khả năng co giãn của satin

Satin truyền thống là vải không co giãn. Nhưng ngày nay satin tổng hợp có thể được thêm thành phần sợi spadex để có độ co giãn nhẹ. Thường là sự kết hợp giữa nylon và spandex (khoảng dưới 10%).

Độ bền của vải satin

Nếu bạn hỏi satin có nhăn không thì tin vui là loại vải này rất ít hoặc không nhăn. Thêm vào đó bề mặt nhẵn, bóng và độ rủ tốt khiến cho nó là 'kẻ thù' đáng sợi của nếp nhăn và bạn không phải lo ngại về việc là ủi đồ thường xuyên. Nhưng mặt khác satin cần sự chăm sóc cẩn thận một chút để giữ được vẻ ngoài bóng đẹp lâu dài.

Khả năng hút ẩm và độ khô

Điều này cũng tùy vào chất liệu sợi dệt. Sợi tơ tự nhiên sẽ giúp satin hút ẩm tốt, các sợi tổng hợp không hoặc ít hút ẩm. Satin lụa và tổng hợp sẽ nhanh khô hơn satin làm từ ny lông hay poly.

Độ an toàn cho da: Nếu là satin từ sợi tự nhiên, nó khá an toàn với da nhạy cảm nhưng với sợi tổng hợp thì có thể không như vậy. Tất nhiên điều này còn phụ thuộc vào quá trình xử lý hoàn thiện vải sau dệt, bao gồm từ các loại thuốc nhuộm, hóa chất,....

Không nhiễm điện

Các sản phẩm vải satin không cần xử lý chống tĩnh điện vì bản thân chúng không tích tụ tĩnh điện.

Dễ bị xổ, móc sợi

Dù có độ bền nhất định nhưng do kiểu dệt với sợi thả nổi, satin dễ bị sùi sợi, rút sợi hoặc móc sợi ra ngoài. Do đó so với dệt trơn và dệt chéo thì dệt satin có thể kém bền hơn. Đây cũng là một trong các lỗi vải thường gặp liên quan đến sợi vải ở vải dệt thoi kiểu satin cơ bản.

4.Ứng dụng của vải satin là gì?

Satin đẹp sang trọng và vì thế có ứng dụng rộng rãi bao gồm từ hàng thời trang may mặc, đồ cưới, đồ nội thất gia đình, nhà hàng khách sạn,... 

  • May đồ cưới và thời trang lễ hội: Vẻ sáng bóng sang trọng và độ mềm rủ của vải rất thích hợp để may váy dạ hội, váy lễ hội, váy cưới và veston,... nhất là satin lụa cao cấp.
  • Satin với nhiều màu sắc và chất liệu làm cho nó phù hợp để may đồ mặc hàng ngày cho cả phụ nữ và nam giới, trẻ em ở mọi lứa tuổi.
  • Sự chọn lọc màu sắc của satin có thể dùng để may cả áo sơ mi cho nam và nữ hoặc áo cánh áo cánh.
  • Vải lụa satin may pyjama là lựa chọn cao cấp vừa đẹp lại phù hợp cho nhiều kiểu thời tiết. Trong khi satin từ vải tổng hợp giá rẻ hơn có thể may đồ bộ, đồ ngủ giá bình dân.
  • Các loại đồ lót cho phụ nữ may bằng satin cũng rất quyến rũ.
  • Phụ kiện và trang sức trang nhã làm từ vải sa tanh có thể kể đến như cà vạt, mũ, găng tay, khăn,... Bạn có thể tìm thấy loại vải này trong sản xuất giày.
  • Dùng trong nội thất như may rèm cửa, vải bọc, vỏ chăn ga gối đệm,...

5.Các loại vải dệt satin phổ biến

Như trên đã nói, satin là một kiểu dệt vải và bản thân kiểu dệt này cũng có nhiều biến thể. Do đó phân loại vải ngoài dựa theo thành phần sợi vải, màu sắc họa tiết, độ con giãn,... còn có thể dựa vào sự khác biệt trong kiểu dệt.

Satin dựa theo màu sắc và họa tiết

  • Satin trơn: loại sain chỉ có một màu, không có hoa văn họa tiết. Các màu và sắc thái màu rất đa dạng tới hàng trăm màu khác nhau. Đặc biệt là satin sợi tổng hợp dễ nhuộm màu nên màu sắc càng đa dạng.
  • Satin in hoa: Tùy theo nhu cầu mà satin được lựa chọn in các loại hoa văn họa tiết.

Phân theo độ co giãn

  • Satin không co giãn: Satin lụa tự nhiên thường ít co giãn
  • Satin co giãn: Còn gọi là satin thun - trong thành phần có pha thêm sợi đàn hồi spandex. 

Phân theo chất liệu sợi

Như trên đã nói satin được dệt từ nhiều loại sợi khác nhau. Thành phần sợi có thể 100% từ một loại sợi (tự nhiên/nhân tạo) hoặc pha trộn từ 2 - 3 loại sợi dệt khác nhau và tỉ lệ pha cũng tùy mục đích.

Vải satin lụa tơ tằm (satin silk)

Khi nói đến satin lụa bạn cần lưu ý đến thành phần chất liệu. Satin lụa (tơ tằm) truyền thống là loại vải làm từ 100% sợi tơ tằm, các sợi dài chất lượng. Nó chứa đựng nhiều ưu điểm đặc trưng của satin tự nhiên như độ sáng bóng, độ bền, khả năng thấm hút, an toàn cho da, tính điều nhiệt, không nhăn. Tuy nhiên loại này có giá cao, là loại hàng cao cấp. Giá của nó gấp nhiều lần so với các loại satin khác.

Satin lụa lanh (satin silk linen)

Kết hợp giữa cả hai loại sợi tự nhiên là lanh và lụa. Tỉ lệ khoảng thường là 1:1 và cho ra loại vải lanh lụa có được ưu điểm nhẹ, mềm, mịn và rất mát.
 

vải satin lanh lụa


Do đặc tính tự nhiên của lanh, vải hơi nhăn. Loại này thường để may quần áo, váy ngủ, Pyjama, may đầm/chân váy. 

Satin lụa nhân tạo

Ngoài satin lụa tự nhiên, còn có satin lụa nhân tạo, tức là thành phần của nó pha thêm với sợi cotton hoặc sợi viscose (sợi tổng hợp từ chất xơ của sợi cellulose làm từ bột gỗ hoặc tre) để có được tính chất của vải sợi tự nhiên. Nó cũng có thể được tạo nên hoàn toàn từ các sợi tổng hợp.
 

vải satin cotton


Satin cotton

Hiểu đơn giản là sợi cotton dệt theo kiểu satin. Đây là một trong các loại vải cotton được thị trường ưa chuộng. Loại này cũng có thể bao gồm cotton 100% được làm từ các sợi bông nguyên chất còn gọi là vải sateen và cotton pha sợi tổng hợp. Tuy bề mặt cũng không sáng bóng bằng satin lụa tự nhiên nhưng giá của nó mềm hơn.

Vải satin nylon

Vẫn có vẻ ngoài sáng bóng đẹp mắt và đa dạng màu sắc nhưng chất liệu nylon dệt kiểu satin khá nóng bức khi mặc, không thấm hút, không nhăn. Tuy nhiên nó rất rẻ và vì thế là loại vải bình dân dễ tiếp cận để may hàng quần áo thời trang giá rẻ hoặc các ứng dụng khác thay thế satin cao cấp. Loại này có thể được pha thêm spandex để tạo độ co giãn.

Vải satin polyester

Cũng giống như trong các loại vải khác, poly luôn được sử dụng thay thế như một lựa chọn tuyệt vời để giảm giá thành sản phẩm. Có thể được kết hợp với spandex hoặc không. Vải này dễ nhuộm màu và in ấn.

Satin phân theo biến thể dệt 

Như trên đã trình bày, satin là một kiểu dệt vải nhưng đồng thời bản thân nó cũng có những biến thể khác nhau. Từ tỉ lệ sợi dọc/sợi ngang, hướng xoắn, độ xoắn, mật độ sợi, cho đến xuất xứ của biến thể dệt satin có thể được dùng để gọi tên loại vải dệt satin. Dưới đây là một số loại vải satin thường thấy trên các sàn thương mại điện tử quốc tế.

Charmeuse Satin

Vải dệt kiểu satin mà theo đó các sợi dọc bắt chéo qua 4 hoặc nhiều sợi ngang ở mặt sau. Tỉ lệ sợi nổi ở vải dệt Charmeuse khác với satin trơn và trọng lượng nhẹ hơn, xếp nếp dễ dàng. Nó có một mặt satin cũng sáng bóng và mặt kia mờ, xỉn màu. Vải phù hợp với nội y, váy dạ hội, áo cưới và trang phục với kiểu cắt lấy ưu thế của vẻ đẹp mượt mà, uyển chuyển. Vải được làm từ nhiều chất liệu khác nhau và bao gồm cả loại 1 màu và có họa tiết.

Baronet Satin

Vải dệt kiểu satin và sử dụng chất liệu sợi dọc làm từ sợi rayon (tơ nhân tạo) còn sợi ngang làm từ sợi cotton. Bề mặt vải cực kỳ bóng sáng, sang trọng và đẹp.
 

vải baronet satin


Dùng may giày múa ba lê, giày cao gót hàng hiệu, váy cưới hay trang phục cao cấp rèm, gối, túi xách tay.

Antique Satin (satin cổ) 

Dùng để gọi các loại vải dệt satin có 5 hoặc 8 đầu dây và sử dụng các sợi mảnh xoắn không đều (slub yarn) hoặc sợi kéo thành sợi (spun yarn) trong sợi ngang. Loại này có thể đảo ngược với 1 mặt là sa tanh còn mặt kia là vải lụa Shantung (Sơn Đông -Trung Quốc) hay lụa gân. Dùng may quần áo, đồ lót, trang phục dạ tiệc.
 

Antique Satin


Để ý rằng bề mặt sau của vải Shantung (như hình trên) có các sợi gân hoặc như tình trạng xước hay slub. Đây không phải là dạng lỗi slub trên vải do kích cỡ sợi không đều mà là được dệt một cách có chủ đích như vậy để tạo hiệu ứng.

Duchesse satin

Duchesse satin có kiểu dệt satin với sợi dệt mịn, số lượng sợi cao và có ít nhất 7 sợi nổi. Vải có bề mặt rất mềm, mịn, bóng, nặng thường được làm bằng lụa hoặc polyester. Đây là loại vải satin chất lượng cao, bền và sang trọng, dùng cho váy cưới, trang phục trang trọng khác. 

Crepe Satin

Vải được dệt kiểu satin với mặt trước mịn, bóng và mặt sau mờ, có gân. Vải satin này thường có trọng lượng trung bình, có độ rủ và độ bồng bềnh đẹp mắt và có thể đảo ngược để sử dụng cả hai mặt. Thường được làm từ lụa nhưng cũng có thể là polyester để tối ưu giá cả. Ứng dụng rộng rãi cho nhiều dự án trang trí sang trọng, quyến rũ từ trang phục áo cánh, váy cho đến nội thất giường ngủ, vỏ gối, khăn trải bàn, màn cửa,...

6.Chăm sóc bảo quản vải sa tanh như thế nào?

Bất kể làm bằng chất liệu gì, chắc chắn bạn sẽ đồng ý rằng bạn yêu satin vì vẻ đẹp của sự sáng bóng lộng lẫy trên bề mặt của nó. Và chính vì để giữ được vẻ đẹp ấy, bạn cần biết cách bảo quản chăm sóc vải đúng cách. Đừng quên tìm hiểu thành phần chất liệu sợi vải cụ thể để chăm sóc theo cách riêng. Ngoài ra cũng có một số lưu ý chung như sau:

  • Tốt nhất là giặt tay nhẹ nhàng nhất là với satin lụa tơ tằm.
  • Có thể giặt bằng máy ở chế độ nhẹ nhàng với chất tẩy rửa nhẹ
  • Giặt với nước mát. Nếu giặt nước ấm hãy đọc các yêu cầu và khuyến nghị khi giặt trên sản phẩm. Nước nóng quá có thể khiến vải satin mất hình dạng và độ rủ.
  • Tuyệt đối không chà xát bằng vật dụng có tính ma sát, không xoắn vò mạnh
  • Không sấy khô vì có thể mất đi độ sáng bóng của vải
  • Một số sản phẩm bằng satin có thể yêu cầu giặt khô.
  • Có thể ủi đồ nhưng tránh nhiệt độ cao vì có thể bị nhăn hoặc mất độ bóng. Nên ủi qua một lớp vải bảo vệ và ủi khi vải còn ẩm.
  • Phơi nơi thoáng mát tránh ánh nắng trực tiếp.

Trên đây là một số thông tin tìm hiểu Vải satin là vải gì, đặc điểm, ứng dụng và phân loại vải. Để có thêm tư liệu về các loại vải may mặc hoặc địa chỉ mua vải, cửa hàng vải, bạn vui lòng đọc thêm các bài viết trên website của chúng tôi hoặc truy cập Danh Mục Cửa Hàng Vải. Tại đây bạn có thể để tìm kiếm đối tác, nguồn hàng vải vóc hoặc giới thiệu sản phẩm vải sợi chất lượng.

Chia sẻ

Location for : Listing Title