Toplist Ninh Hiệp: Tìm kiếm Đối tác, Cửa hàng, Nguồn hàng
Bạn đang tìm kiếm điều gì?
Vải Taffeta là vải gì? Vì sao vải rất được ưa chuộng hiện nay?

Vải Taffeta là vải gì? Vì sao vải rất được ưa chuộng hiện nay?

  • 15/06/2023
  • 515
  • 0
  • 0

Vải Taffeta là vải gì, đặc điểm, ứng dụng và danh sách các loại vải Tafta,... Cách chọn mua vải sao cho phù hợp với nhu cầu và giá tốt? Thêm nhiều thông tin nữa sẽ được cập nhật trong bài viết dưới đây để bạn tham khảo.

Xem thêm: Tìm hiểu ưu thế nguồn vải may mặc tại chợ Ninh Hiệp -  Hà Nội

Vải Taffeta là vải gì?

Vải Taffeta là loại vải được dệt theo kiểu dệt trơn (thuộc phương pháp dệt thoi) với các sợi dệt được xoắn chặt chẽ. Nó được làm từ nhiều loại chất liệu khác nhau ở dạng vải nguyên chất hoặc vải pha trộn. Cấu trúc vải thường mịn, sắc nét, hơi bóng, hơi cứng (tùy chất liệu) và đặc biệt là định hình tốt, không bị rủ và nhẹ. Taffeta có thể được nhuộm sợi (sợi được nhuộm trước khi dệt) để tạo ra vải sắc nét và cứng. Taffeta nhuộm mảnh (vải được nhuộm sau khi dệt) thường mềm hơn.

Trong lịch sử, theo tiếng Ba Tư nó được gọi là Tafta, có nghĩa là 'dệt xoắn'. Ở phương Tây, đa số đều dùng thuật ngữ 'vải Taffeta'. Trên thị trường Việt Nam hiện nay thường sử dụng từ Tafta. Và cũng vì vậy mà sinh ra các cách gọi loại vải này theo kiểu khẩu ngữ là vải Tác ta hay vải Tắc ta hay vải Tapta,... Trong tiếng Trung vải này được gọi là 塔夫绸 (tǎ fū chóu). Mặc dù cách viết hay cách gọi khác nhau, chúng đều chỉ chung 1 loại vải mà thôi.

Thời xưa Taffeta được sản xuất ở Ba Tư từ thế kỷ 12. Ngày nay nó được sản xuất ở nhiều quốc gia trên thế giới. Các nước Trung Đông, Ấn Độ, Pakistan, Trung Quốc là các nước sản xuất loại vải này với sản lượng lớn. 

Taffeta được làm từ chất liệu gì? Giá cả như thế nào?

Thời xưa khi chưa có các loại sợi nhân tạo, Tafta được làm từ sợi tơ tằm, sợi lanh là phổ biến. Ngày nay, cả sợi tự nhiên, sợi tổng hợp đều có thể được sử dụng để sản xuất ra vải Tafta với cấu trúc tương tự, vẻ đẹp không kém cạnh. Một số loại sợi có thể kể đến như sợi rayon, axetat, polyester,... 

Mặc dù có nhiều biến thể dệt dệt trơn của vải Taffeta và mức độ xử lý của vải sau dệt nhưng nhìn chung giá của Taffeta phần lớn phụ thuộc vào thành phần chất liệu. Theo đó, chất liệu tự nhiên là đắt nhất: theo thứ tự là lụa, cotton. Vải pha giữa sợi tự nhiên và tổng hợp có giá rẻ hơn. Còn Taffeta 100% sợi tổng hợp có giá rẻ nhất. 

Vải Tafta có đặc điểm gì?

Các tính chất của loại vải sang trọng này có được phần lớn nhờ vào kiểu dệt đặc trưng của nó. Cùng với đó chất liệu sợi dệt vải cũng góp phần tạo nên các đặc điểm nhất định. Ví dụ như với lụa Tafta cho vẻ ngoài sáng bóng và sang trọng hơn. Với cotton, Tafta hơi thô hơn nhưng thấm hút tốt. Tafta bằng sợi poly không thấm nước,....
 

mẫu đầm vải Taffeta


Dưới đây là một số đặc điểm chung của vải Tafta:

  • Định hình tốt: Đây được xem là thuộc tính đáng chú ý nhất. Nhờ khả năng giữ hình dạng tốt nên do đó trang phục bằng vải có thể Tafta không bị mất form dù mặc trong thời gian dài.
  • Vẻ ngoài sang trọng: Bề ngoài vải mỏng manh nhưng trông thật hoàn hảo. Vẻ sáng bóng và lấp lánh của nó thực sự gắn liền với nhiều phong cách thời trang sang trọng, đẳng cấp.
  • Độ mịn: Mặc dù có các phiên bản nhăn nhưng Taffeta vẫn được đánh giá cao ở loại vải mịn và dễ chịu khi chạm vào.
  • Chống thấm: Vải thường có đặc tính chống thấm nước tốt do mật độ dệt dày đặc.
  • Dễ nhàu: Dù giữ dáng tốt nhưng một khi vải bị nếp gấp thì lại rất khó làm phẳng.
  • Có âm thanh sột soạt: Điểm đặc biệt ở vải Taffeta là khi các lớp vải ma sát vào nhau nó tạo ra âm thành đặc trưng như tiếng sột soạt. Để hạn chế điều này với trang phục váy đầm người ta thường lót bằng lụa organza để trang phục dày hơn và làm giảm âm thanh.
  • Không co giãn: Vải dù nhẹ nhưng do cấu trúc chặt chẽ Taffeta không có sự co giãn. Điều này chỉ được khắc phục khi Taffeta có thể thành phần sợi spadex. 
  • Dễ tuột sợi, xổ sợi: Khi vải được cắt đường thẳng, các sợi của nó dễ xổ ra. Do đó cần lưu ý khi cắt và may. Sợi vải cũng thường dễ bị móc xổ ra nếu gặp phải ma sát, vật nhọn. Về vấn đề này bạn vui lòng Xem thêm bài viết: Các dạng lỗi vải thường gặp trên vải may mặc.

Ứng dụng của vải Tafta gồm những gì?

Sự đa dạng của nguyên liệu tạo thành Tafta khiến cho loại vải này ngày càng có ứng dụng đa dạng hơn. Thêm vào đó giá thành của nó được cải thiện nên càng được ưa chuộng và sử dụng nhiều hơn.

Tất nhiên tùy vào từng loại vải với chất liệu, độ hoàn thiện bề mặt mà sẽ có ứng dụng phổ biến hơn trong tình lĩnh vực.

Vải thời trang: Vẻ ngoài sang trọng và lộng lẫy rất thich hợp cho may đo váy dạ hội, váy cưới; váy, áo cánh, quần dài,...

Vải lót: Tafta mỏng và nhẹ có thể sử dụng làm lớp lót cho áo jacket, áo khoác,...

Vải may đồ gia dụng: Taffeta xếp nếp tốt nên rất phù hợp để may rèm cửa

Vải bọc nội thất: vỏ gối, chăn, ghế, khăn trải giường, khăn trải bàn,... Với mục đích này thường sử dụng taffeta tổng hợp vì nó có khả năng chống mài mòn cao hơn. Cùng với đó vật liệu này dễ tạo ra các hoa văn in tuyệt vời cho phong cách nội thất.

Trang phục thể dục nhịp điệu: Vải có thể thêm vào độ co giãn để vừa thoải mái khi mặc vừa có độ sáng bóng đẹp mắt.

Trang phục lễ hội, sân khấu: Taffeta có khả năng bắt sáng tốt và một số loại còn tạo ra hiệu ứng ánh kim hoặc đổi màu nên phù hợp cho trang phục biển diễn.

Sản xuất một số mặt hàng tiêu dùng khác như ô dù, túi cách, túi ngủ,...

Có bao nhiêu loại vải Tafta? Phân loại vải 

Có nhiều loại vải Tafta khác nhau phụ thuộc vào cách thức phân chia: theo sợi dệt (vải nguyên chất từ 1 loại sợi, vải pha từ nhiều loại sợi), theo trọng lượng (nhẹ, trung bình); theo biến thể kiểu dệt trơn (Chambray Taffeta, Rib Taffeta,...), theo màu sắc họa tiết, lớp hoàn thiện (trơn, in hoa, phủ bề mặt,...).

Vải Taffeta phân theo chất liệu

Vải lụa Tafta

Vải tafta lụa tơ tằm là vải tafta cao cấp nhất hiện nay, vẻ ngoài sang trọng. Cũng giống như các loại vải khác dệt từ sợi tơ tằm, tafta lụa có giá cao, dùng trong các ứng dụng thời trang cao cấp, váy đầm dạ hội, đồ biểu diễn sân khấu,... 

Taffeta lụa khác với satin lụa nhưng vì bề ngoài có phần hơi giống nhau, chúng có thể bị nhầm lẫn vì độ sáng bóng. Tuy nhiên nếu để ý kỹ sẽ thấy satin lụa có độ rủ rất cao trong khi Taffeta thì ngược lại không rủ mà lại giữ form.

Vải này không nên giặt máy mà nên giặt khô. Nó cũng rất dễ sờn. Khi cắt vải cũng dễ trơn trượt nên cần sử dụng ghim. Vải dễ tạo nếp gấp nhất là ghi phun ẩm trước khi ủi để tạo nếp.

Vải Taffeta viscose

Được làm từ sợi viscose (tơ nhân tạo), loại này rẻ hơn tơ lụa nhưng khả năng chống mài mòn kém hơn và độ bền xé kém hơn, đặc biệt là khi bị ướt. Vải có thể làm lót đầm, váy, áo khoác hoặc áo khoác nhẹ.
 

vải taffeta viscose


Vải cotton Taffeta

Do đặc tính của sợi vải cotton, Taffeta 100% cotton sẽ không có được độ bóng mịn như với nylon hay lụa Taffeta. Tuy nhiên nó vẫn được ưa chuộng ở đặc tính giữ form và ưu điểm của sợi cotton (thoáng khí, hút ẩm, không kích ứng cho da). Có thể ứng dụng trong may áo sơ mi, áo khoác.

Vải nylon Taffeta

Loại này tận dụng đặc tính của sợi nylon để dùng trong các ứng dụng cần chống thấm nước, chống gió, giữ ấm,... Nó cũng thường được hoàn thiện bề mặt với lớp phủ, tráng để tùy chỉnh độ phản sáng. Thường sử dụng cho may áo khoác ngoài trời, đồ trượt tuyết, đồ leo núi, túi ngủ, áo mưa, phụ kiện túi xách,... Vải thường rất nhẹ, có thể từ 40g / m2 - 80g / m2.

Polyester Taffeta

Phiên bản polyester của Taffeta có bề mặt sáng nhưng không sang trọng như phiên bản lụa. Vải phục vụ cho cả vải may mặc, vải nội thất và các ứng dụng khác với ưu điểm giá rẻ hơn nhiều các loại Taffeta khác và rất bền. Trong may mặc nó được dùng như vải và vật liệu lót.

Taffeta cotton lụa
 

vải Taffeta cotton lụa


Taffeta cotton lụa là sự pha trộn tuyệt vời để may các mẫu váy vải tafta hoặc áo choàng nhẹ, váy đầm sang trọng,... Tận dụng được ưu điểm của cả hại loại sợi tự nhiên với nhiều ưu thế về độ thấm hút, thoáng khí và mát mẻ. Giá của loại vải này tương đối cao, chỉ sau tafta lụa 100%.

Taffeta co giãn (Stretch Taffeta)

Là một loại vải Taffeta co giãn hỗn hợp giữa ít nhất hai loại sợi mà trong đó có thành phần sợi co giãn (spandex). Nó có thể bao gồm sự kết hợp với ny lon, polyester, cotton với tỉ lệ nhất định. Tỉ lệ thông thường có thể là 60% polyester, 35% ny lon, 5% spande và chỉ số này độ co giãn theo chiều ngang có thể tới 20%.
 

vải taffeta co giãn


Taffeta co giãn cũng có bề mặt mịn và sáng nhất định có thể thay cho lụa Taffeta với giá rẻ hơn nhiều. Ứng dụng may áo choàng, áo khoác, quần áo thể thao, đồ lót, váy phụ kiện túi xách và đồ trang trí, khăn trải giường và khăn trải bàn,...

Phân loại Taffeta theo màu sắc, kết cấu

Taffeta đơn sắc

Taffeta trơn với sợi dệt được nhuộm mịn trong đó sợi ngang và sợi dọc cùng một sắc thái. Cũng như satin, sắc thái của Taffeta 1 màu vô cùng phong phú và có tới hàng trăm màu khác nhau.

Taffeta hai màu (Shot Silk Taffeta)
 

vải silk taffeta


Vải có bề mặt óng ánh được dệt từ 2 hệ thống sợi chỉ thường tương phản nhau. Thường được làm bằng lụa. Vải cho màu sắc rất độc đáo tùy thuộc vào ánh sáng, góc nhìn, sắc thái của nó sẽ thay đổi. 

Taffeta in dọc (Warp printing Taffeta)

Thường áp dụng trên chất liệu lụa tơ tằm, Warp printing (phương pháp sản xuất vải kết hợp giữa in dệt và dệt) sử dụng các sợi dọc được in trước khi dệt. Cách này tạo ra hoa văn trên vải có màu nhạt, nhìn vào có cảm giác mơ hồ, mờ ảo rất độc đáo.

vải taffeta in dọc


Kỹ thuật này thường khá phức tạp và do đó chi phí sản xuất cao, giá vải cũng cao. Vải ít phổ biến hơn.

Taffeta cán láng (Taffeta Moire)

Là một trong số các loại vải Moire, Taffeta Moire áp dụng kỹ thuật cán láng bề mặt, tạo thành hiệu ứng như các gợn sóng đẹp mắt. So với vải chưa cán, Taffeta Moire tinh tế hơn, mỏng và bóng như giấy. Sử dụng áo choàng, đồ trang trí, váy dạ hội và váy cưới,... Giá vải thường khá đắt.

Taffeta nhăn (Crinkle Taffeta hay Crease Taffeta)
 

vải Crease Taffeta


Là một loại vải có kết cấu nhăn theo chiều ngang. Thường được làm bằng Polyester hoặc nylon, nó được sử dụng nhiều trong ngành sự kiện, làm vải nội thất. Một số ứng dụng như khăn trải bàn, vỏ gối, rèm cửa, điểm nhấn hoặc may trang phục và đồ cosplay.

Ngoài ra còn rất nhiều loại vải Taffeta được sản xuất với các hiệu ứng bề mặt khác nhau. Chúng tôi sẽ tiếp tục cập nhật trong thời gian tới. Mời bạn đón đọc!

Hướng dẫn bảo quản

Taffeta là loại vải tương đối bền nhưng vẫn cần phải được chăm sóc cẩn thận và đúng cách. Tất nhiên tùy vào chất liệu mà nó được làm ra cũng có những chú ý riêng. Dưới đây là một số điểm chung khi chăm sóc bảo quản hàng thời trang được làm từ vải Taffeta.

  • Có thể giặt máy nhưng chế độ nhẹ nhàng. Nhiệt độ nước lên đến 30 độ. Không sử dụng chu trình vắt.
  • Trong và sau khi giặt, không vắt mạnh vì khi bị xoắn, vải có thể mất hình dạng.
  • Chất giặt tẩy: Bột giặt dạng lỏng là phù hợp nhất; Không sử dụng chất tẩy mạnh,
  • Làm khô: Chỉ vắt bằng tay; Không sấy khô.
  • Ủi: Có thể ủi nhưng ở nhiệt độ thấp nhất và chỉ ủi mặt trái.
  • Phơi tránh ánh nắng mặt trời. Phơi khô vải theo chiều ngang.
  • Váy hoặc đầm vải taffeta có thể được làm khô trên giàn phơi. Quần áo phải được treo cẩn thận ở nơi thoáng gió.
  • Không bảo quản trong túi hút chân không chuyên dụng vì dễ hình thành nếp nhăn trên vải. Mền, ga trải giường, rèm cửa hay các vật lớn thì nên cuộn tròn lại cất giữ thay vì gấp nếp.

 

Trên đây là một số thông tin để trả lời cho câu hỏi vải Taffeta là vải gì và các vấn đề khác có liên quan. Để chọn được loại vải Taffeta phù hợp với dự án và giá tốt, bạn nên tìm hiểu kỹ các đại lý, cửa hàng bán vải uy tín để tiếp cận nguồn hàng chất lượng nhất. 

Chia sẻ

Location for : Listing Title